Lời ngỏ
Trên bước đường thực hành và phát huy sự nghiệp hoằng dương chánh pháp của người tu sĩ, việc sử dụng khéo léo tài vật từ đàn na tín thí như một công cụ đắc lực để xây dựng nền tảng tâm linh, gieo trồng phước báu và tăng trưởng lòng từ cho mọi người đã thật sự mang lại hiệu quả. Hàng ngàn, hàng triệu con người từ khắp nơi đã có cơ hội tiếp cận và phát khởi niềm tin nơi Tam bảo và bắt đầu hành trình tu sửa thân tâm. Đây là kết quả của một quá trình nỗ lực và hi sinh của Phật giáo Việt Nam cũng như chư Tăng và Phật tử chùa Hoằng Pháp. Thành quả ấy dẫn đến sự ra đời của tập sách nhỏ này: Một bản toát yếu về thầy trụ trì và những hoạt động của chùa. Thông qua tập sách, chúng tôi thật sự hi vọng những thông tin này sẽ giúp quý Phật tử hiểu rõ hơn về việc sử dụng tài vật của đàn na tín thí, để tăng trưởng tín tâm của mình với Tam bảo và phát nguyện hộ trì chánh pháp, để Phật pháp được trường tồn và mọi người có cơ hội gieo trồng thiện căn nơi Phật pháp nhiều hơn nữa. Trân trọng!
Chùa Hoằng Pháp xưa và nay
Chùa Hoằng Pháp tọa lạc tại huyện Hóc Môn, cách trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh 20km về phía Tây Bắc. Chùa được sáng lập vào năm 1957 bởi Hòa thượng Ngộ Chân Tử (1901-1988). Sau khi Ngài mất, thầy Thích Chân Tính đã kế vị trụ trì cho đến ngày nay. Với tổng diện tích 2.5ha, một loạt cơ sở vật chất đã được xây dựng dần dần và tương đối đầy đủ để đáp ứng nhu cầu tu học của chư Tăng và Phật tử, cũng như đẩy mạnh và phát triển sự nghiệp hoằng pháp. Tại đây, các khóa tu dành cho Phật tử lần đầu tiên được tổ chức thành công và đã trở thành mô hình mẫu cho đạo tràng trong cả nước. Chư Tăng tu học phần lớn là người trẻ, còn nhiều thời gian và năng lượng cho việc hoằng dương Phật pháp. Hiện tại có hơn 100 vị xuất gia và khoảng 200 Phật tử đang tu học ở chùa. Để phát triển sự nghiệp truyền bá chánh pháp, nhiều chi nhánh đã dần được hình thành. Có khoảng 33 chi nhánh trực thuộc trong và ngoài nước, một số đã hoàn tất, và số còn lại vẫn đang trong quá trình xây dựng.
ĐÔI NÉT VỀ THẦY THÍCH CHÂN TÍNH
Thầy Thích Chân Tính thế danh là Nguyễn Sỹ Cường, sinh năm 1958 tại Đắk Lắk, cha là ông Nguyễn Sỹ Hiệu, mẹ là bà Nguyễn thị Đảng. Thầy là người con thứ hai trong gia đình có bảy anh chị em. - Ngày 08/12/1973, thầy được xuất gia với Đại lão Hòa thượng Ngộ Chân Tử và thọ giới Sa-di ba năm sau đó (1976). - Thọ giới xong, thầy bắt đầu việc học Phật pháp như lời Sư Tổ chỉ dạy tại các chùa Giác Ngộ, Già Lam, Ấn Quang tại Thành phố Hồ Chí Minh. - Năm 1981, thầy thọ giới Tỳ-kheo tại giới đàn chùa Long Hoa, Thành phố Hồ Chí Minh. - Trong khoảng thời gian từ 1985-1990, thầy theo học chương trình cử nhân khoa Ngữ Văn tại Đại học Tổng Hợp thành phố. Vào năm 1988, khi Ân sư viên tịch, thầy chính thức lãnh trách nhiệm trụ trì cho đến nay. Trong cương vị của một trụ trì, thầy đã luôn nỗ lực để làm tròn sứ mệnh của một người con Phật: Hoằng truyền giáo pháp và gieo hạt giống Bồ Đề đến những người hữu duyên. Trong quá trình này, các ý tưởng về tổ chức khóa tu phù hợp với độ tuổi, phát hành kinh, đĩa, sách, hỗ trợ giáo dục Tăng Ni, lập quỹ học bổng cho sinh viên nghèo,… đã lần lượt ra đời. Các hoạt động Phật sự dần thành công, đem lại nhiều kinh nghiệm cũng như ảnh hưởng không nhỏ đến sự nghiệp truyền bá chánh pháp của Phật giáo Việt Nam, và nhận được lời tán thán, khích lệ của các bậc Hòa thượng tôn túc trong việc duy trì và phát triển Phật giáo. Hằng năm, ngoài các Phật sự tại bổn tự, thầy còn có những chuyến hoằng pháp trong và ngoài nước để chia sẻ Phật pháp, hướng dẫn các phương pháp tu học, giúp mọi người hướng đến một đời sống an lạc, hạnh phúc. Ngoài ra, thầy còn biên soạn và biên dịch hơn hai chục đầu sách về những trải nghiệm tu học được phát hành dưới hình thức thơ và truyện ngắn, góp nhặt. Hai trong số đó đã được biên tập cả hai ngôn ngữ Việt-Anh. Tác phẩm: Tôn Giáo Học So Sánh, Lược Truyện Đức Phật Thích Ca, Những Điểm Đặc Sắc Của Phật Giáo, Vua Pasenadi, Lời Hoa, Bùn, Sữa Pháp Ban Mai, Tu Nhà, Phật Pháp Cứu Đời Tôi, Bằng Tất Cả Tấm Lòng, Chuyện Bình Thường,...
CƠ SỞ VẬT CHẤT
Trước năm 1988, cơ sở vật chất của chùa còn khá sơ sài, không đủ đáp ứng cho việc tu học và mở rộng Phật pháp. Vì vậy, sau khi kế tục trụ trì thầy đã tiến hành xây lại chánh điện vào năm 1995. Tiếp đó các công trình phụ trợ lần lượt ra đời. Cho đến hiện tại chùa có bốn tòa nhà, đáp ứng đủ nhu cầu ăn ở và tu học trong một tuần cho khoảng 3000 Phật tử. Trong đó khu A đã được tái xây dựng thành tòa nhà đa năng để nâng số lượng Phật tử về tu học trong tương lai. Ngoài các khu tu học, một nhà bếp và ba trai đường đáp ứng đủ nhu cầu ăn uống cho việc tu học. Hai khu tháp để lưu giữ tro cốt và di ảnh của những gia đình Phật tử có người thân qua đời. Bên cạnh đó, những phòng ban nhỏ lẻ cũng được thành lập để duy trì kinh tế cho chùa và sức khỏe cho mọi người tham gia tu học: phòng y tế, phòng pháp phục, phòng phát hành, phòng triển lãm, phòng nghe nhìn,...
CÁC KHÓA TU HỌC
Để khuyến khích và phát triển việc tu học Phật pháp, nhu cầu ăn uống và ngủ nghỉ tại chùa đều được miễn phí. Một đội ngũ tình nguyện viên đông đảo và luân phiên liên tục luôn sẵn sàng để hỗ trợ cho chư Tăng trong việc thực hành và gieo duyên Phật pháp cho mọi người. Khóa tu Phật thất: Là khóa tu bảy ngày được chùa Hoằng Pháp tổ chức lần đầu tiên tại Việt Nam vào năm 1999 với 68 người tham dự. Khóa tu ngày càng được nhiều người hưởng ứng và con số đã tăng dần lên đến hơn 3000 người vào thời điểm hiện tại. Vào năm 2006, Trung tâm sách Kỷ Lục Việt Nam đã trao tặng chùa Hoằng Pháp danh hiệu: “Ngôi chùa tổ chức nhiều Khóa tu Phật thất có số lượng Phật tử tham dự đông nhất”. Đến nay, mô hình khóa tu này đã được nhân rộng và phát triển khắp cả nước. Ngày tu niệm Phật: Được tổ chức mỗi tháng một lần vào ngày Chủ Nhật đầu tháng Âm lịch. Phần lớn ngày tu thu hút cả giới đi học và đi làm vào tham dự, đôi khi con số lên đến cả hàng chục ngàn. Khóa tu Mùa Hè: Là khóa tu dành cho thanh thiếu niên được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2005 với số lượng hơn 300 khóa sinh tu học trong bảy ngày đêm và có lúc con số đã tăng lên đến 6000 bạn trẻ. Cho đến nay, chùa chỉ duy trì trên dưới 3000 em để đảm bảo cho việc tu học và những sinh hoạt tối thiểu. Số lượng đăng ký vượt quá sẽ được khuyến khích đến các địa điểm chi nhánh hoặc các chùa trong khu vực để tiết kiệm chi phí đi lại cho các em. Một sân chơi bổ ích và lành mạnh, kết hợp giữa việc giải trí và định hướng nhân cách giáo dục đã thực sự thu hút rất nhiều giới trẻ năng động và ưa khám phá học hỏi trong thời hiện đại. Lối sống vội vã và buông thả trong phần lớn giới trẻ có nhiều thay đổi tích cực sau mỗi lần tham dự khóa tu. Ngày tu Sinh viên hướng về Phật pháp: Diễn ra hai tháng một lần dành cho đối tượng học sinh, sinh viên. Ngoài việc tham gia một ngày tu học, các bạn trẻ còn được cơ hội học hỏi và giao lưu, mở rộng sự quan tâm của mình đến người khác. Tham gia khóa tu, nhiều bạn đã thật sự học được cách vượt qua các khó khăn và chướng ngại trước ngưỡng cửa chạm mặt với cuộc đời. Nhiều thái độ sống tích cực và lạc quan đã hình thành từ khóa tu này. Khóa tu thiếu nhi Em về bên Phật: Được tổ chức mỗi tháng một lần vào ngày Chủ Nhật, dành cho các em từ 6 đến 10 tuổi. Một sân chơi bổ ích và lành mạnh, giúp gieo trồng thiện căn và ý thức được lối sống có trách nhiệm và đạo đức, là mục tiêu mà chư Tăng muốn xây dựng cho các em.