Ấn phẩm chùa Hoằng Pháp

Lời con kể

Tác giả: Nhiều tác giả
Mục lục
BẾN ĐỖ

 Ba mẹ kính yêu!

    Ngày 3 tháng 7 vừa rồi là con tròn hai mươi tuổi. Hôm đó, vì bận công việc nên ba mẹ quên mất sinh nhật của con, nhưng ba mẹ biết không con không hề buồn trách gì ba mẹ hết. Điều đó có sá gì với mười chín năm ba mẹ nuôi con khôn lớn! Mười chín năm - cũng là từng ấy thời gian ba mẹ đã vì hai chị em con mà lao lực rất nhiều. Đã biết bao lần con và em đã làm ba mẹ buồn lo. Con nhớ những lần vì giận em Bin mà mẹ muốn đứng tim. Con sợ lắm…

    Ba mẹ hay kể con nghe về con của mười bảy hay hai mươi năm về trước. Trong ký ức ấy, con là một cô bé thông minh, lanh lợi, nhanh mồm, mau miệng, ngoan ngoãn, lễ phép và biết vâng lời. Ba kể ngày còn bé con hay đòi theo ba đi nhậu. Ba thì lừng xà lừng xừng còn con thì vô tư chẳng biết gì, cứ bám chặt ghi-đông nhổng mông hí hửng theo ba đi nhậu. Ba kể con hay ăn hết mồi nhậu của ba! Xe chạy lạng bên này lạng bên kia còn con thì cứ cười nắc nẻ. Mẹ kể ngày còn bé con rất thông minh, chỉ cần chỉ giờ một lần là con nhớ. Ngày nào cũng vậy, cứ thấy kim ngắn chỉ số 6, kim dài chỉ số 12, trời nhá nhem tối mà chưa thấy ba về là con leo lên chỗ để máy điện thoại gọi bưu điện kiếm ba: “A nhô, bu điện đó hả, có ba con ở đó hông ạ!”. Mẹ còn dạy con thấy bà cụ nào đi ngang cũng phải chào. “Con chào ngoại! Con chào nội!”, con chào rồi cười toe toét, mẹ bảo ai nhìn cũng thương và khen con ngoan.

    Ba mẹ hay nhắc lại ngày ấy của con bằng một cái giọng tiếc nuối và thắc mắc rằng sao bây giờ con khác xưa nhiều quá. Con ít nghe lời hơn, ít nói cười với hàng xóm hơn, sống ích kỷ hơn, chỉ biết đóng cửa phòng học bài hay đọc sách mà chẳng giúp cho ai, nhiều khi con còn cãi lời làm ba mẹ buồn lòng. Con đã sống như vậy hơn 5 năm. Thế rồi như cái duyên đã đến khi mẹ cho con xem đĩa “Bóng Mây” của thầy Thích Thiện Thuận trong Khóa Tu Mùa Hè năm 2007, con thấy mình phải trở lại là con của ngày xưa thôi… Mẹ hay cùng con xem chương trình truyền hình “Vượt lên chính mình”, “Ngôi nhà mơ ước” để dạy con biết yêu thương những người khó khăn hơn mình. Ba mẹ dạy con phải biết thương em vì đó là máu mủ ruột thịt, phải biết hòa đồng với mọi người, biết trân trọng những gì mình đang có, biết tự lập và đứng lên sau mỗi lần thất bại.

    Có lần ba mẹ tâm sự với hai chị em con rằng ba mẹ chỉ mong hai chị em con nên người, nếu phụng dưỡng ba mẹ chỉ cần cơm ngày ba bữa, tờ báo với mấy ly trà xanh. Ngay khi viết dòng này lòng con không khỏi xúc động, nước mắt con tự dưng cứ trào ra.

    Con cám ơn mẹ, người đã đưa con đến với Phật pháp, nơi con tìm thấy sự bình an trong lòng.

    Ba ơi, ba đừng uống rượu nữa nha ba, tội nặng lắm ba à! Cả nhà mình đã quy y rồi cơ mà!

   Con bây giờ đã thấm thía những lời dạy của ba mẹ ngày xưa. Con rất hối hận về những lỗi lầm đã gây ra cho ba mẹ, mong ba mẹ hãy tha lỗi cho con. Con hứa sẽ không bao giờ tái phạm, sẽ cố gắng hoàn thiện mình hơn nữa và sẽ sống xứng đáng là con của ba mẹ. Con luôn nhớ câu nói của ba “Cố lên con! Dù có thế nào đi nữa ba mẹ sẽ luôn bên con”. Con tin chắc dẫu có bao người quay lưng lại với mình, dẫu cả thế gian này từ chối con thì ba mẹ vẫn luôn là bến đỗ bình yên nhất.

Trần Thị Phương Hà - Bình Dương

Hãy tha thứ cho con
Mẹ là ánh sáng dịu hiền Soi bước đường chông gai con đi Mẹ là cây cao bóng cả Suốt cuộc đời che bóng mát cho con.

    Con được sinh ra với tất cả niềm hi vọng và mong ước của mẹ. Mẹ cho con tất cả những gì con muốn dù lúc đấy hằng ngày mẹ đều chạy xe ôm để kiếm tiền. Thế mà khi còn nhỏ con nào biết gì đâu, cứ bắt mẹ phải mua thứ này thứ nọ. Mẹ thương con, không muốn con thua thiệt bạn bè nên đòi gì mẹ cũng chiều. Để rồi tính bướng bỉnh của con sinh ra từ đấy.

    Lên cấp hai, con bắt đầu gặp bạn bè, thầy cô mới, nhưng con lại ngày càng bất hiếu với mẹ hơn. Số lần con làm trái ý mẹ ngày càng nhiều, mẹ nói gì con cũng cãi lại, mẹ nói một con phải cãi lại mười và cho những điều ấy là không đáng nghe, là mẹ già rồi không biết gì cả. Cái cảm giác hơn mẹ lúc ấy thật hả hê, con thấy vui sướng lắm nhưng con đâu biết được sau mỗi lần con cãi mẹ như thế mẹ đều khóc trong lòng.

    Tuổi thơ con cả ngày chỉ biết quanh quẩn ở nhà và đi học, nên dần dần con bị bệnh tự kỷ mẹ à. Những lần con ức vì cãi nhau với mẹ, con đều tìm đến máu. Những vết dao con cứa trên tay mình, những giọt nước mắt hòa với máu của con. Lúc đấy con ghét mẹ lắm, con chỉ muốn mẹ chết đi cho con được sướng thôi. Con thật là một đứa con bất hiếu!

    Theo thời gian, chuyện gì đến cũng phải đến. Năm con học lớp 11, mẹ đọc trộm tin nhắn trong điện thoại của con, tin nhắn có nội dung không được trong sáng lắm. Con giải thích là con không có và xin mẹ hãy tin con, nhưng mẹ không tin con, mẹ cứ ép con vào đường cùng. Con khóc lóc mẹ không tin. Con giải thích mẹ không nghe. Và rồi con chạy xuống bếp cầm dao lên, mẹ hoảng sợ thật sự khi nhìn thấy dao trong tay con. Con lấy dao rạch lên đôi tay trắng trẻo của mình. Đôi bàn tay ngày nhỏ được mẹ dắt sang đường. Đôi bàn tay mẹ đặt tất cả ước mơ của mẹ vào đấy. Đôi bàn tay mẹ thắp sáng hy vọng của mẹ cho con. Đôi bàn tay của con bị chính con làm chảy máu! Đau! Mẹ khóc, con thấy hối hận, những giọt nước mắt lăn trên má mẹ, đôi mắt hằn vết chân chim vì nắng mưa tần tảo nuôi con khôn lớn, thế mà con báo đáp công ơn mẹ bằng cách rạch lên đôi tay mà mẹ đã cho con, con chỉ biết nhìn mẹ khóc và khóc theo.

    Con chỉ biết trách mẹ là không biết dạy con, không biết lắng nghe con thế này thế nọ mà chưa bao giờ nhìn lại công ơn của mẹ dành cho con. Mẹ cho con thân thể này. Mẹ nuôi con khôn lớn. Mẹ chăm con những lúc con ốm đau, bệnh tật. Mẹ dành cho con tất cả tình thương của mẹ. Mẹ không quản ngại nắng mưa làm việc chỉ mong sao con được nên người. Thế mà con lại bất hiếu như thế! Thật đáng xấu hổ!

    Ngồi dưới mái già lam Hoằng Pháp này con thấy nhớ mẹ biết bao. Nhớ vòng tay mẹ bảo bọc con những lần con lầm lỗi, đôi bàn tay mẹ nâng bước con đứng dậy khi con gặp những chuyện khó khăn, nhớ ánh mắt mẹ trìu mến nhìn con. Tất cả mới thân thương làm sao!

    Mẹ à! Con xin lỗi, con xin sám hối tất cả những việc con đã làm với mẹ và con hứa từ nay sẽ không như thế nữa. Có một câu mà 17 năm qua con chưa bao giờ nói với mẹ: “Mẹ à! Con yêu mẹ nhiều lắm!”.

Nguyễn Thụy Quý Trâm - Đà Nẵng