Sách TT. Thích Chân Tính

LỜI TỰA
Tập sách nhỏ là một sự góp nhặt những trải nghiệm về đời sống của mỗi cá nhân sau khi biết đến lời Phật dạy. Có thể họ là những người có thật, cũng có thể là một nhân vật được hư cấu, có điều người ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh của mình đâu đó trong cuốn sách. Bên cạnh đó còn có cả những suy nghĩ và cảm nhận của tự thân mà tôi muốn truyền tải đến mọi người. Một cư sĩ nhỏ nhoi sẽ chẳng làm được gì nhiều nên những gì tôi góp nhặt lại đây cũng chỉ như một chút nắng muộn màng, yếu ớt. Nhưng dẫu có muộn thì nó vẫn là tia nắng và hy vọng có thể đem lại chút ấm áp, chút niềm tin, và phá vỡ một chút sai lầm cho ai đó… Dù có muộn nhưng chiếu rồi thì cứ vẫn lung linh…
CÁM ƠN NGỤC TÙ
Tôi được trả tự do vào một buổi chiều mưa tháng Bảy. Bước chân ra khỏi trại giam không một người thân chờ đón. Trước mắt chỉ là con đường dài hun hút mưa tầm tã. Mặc kệ tôi cứ lầm lũi bước tới. Mưa cũng tốt, nó sẽ gột rửa phần nào sự dơ uế ở thân tâm tôi sau mấy năm ngồi tù. Đi chừng hơn mười phút thì tôi gặp một ông già lái chiếc công nông, cũng cỡ ông già tôi ở nhà. Thấy bộ dạng tôi ông hỏi có muốn đi nhờ ra đường lộ hay không, tôi có chút ngạc nhiên vì vùng này dân cư thưa thớt, và hầu hết họ đều biết những người lạ mặt xuất hiện ở đây không ai khác đều là những kẻ mới ra tù. Thái độ thường tình của mọi người là khinh bỉ và quay lưng. Ông cụ thì khác, ông niềm nở như thể không quan tâm mấy về việc anh vừa từ chỗ nào ra vậy. Tôi ngồi lên xe và ông bắt đầu nói chuyện. Ông nói mình không phải dân ở đây, chỉ là xuống thăm đứa con gái rồi tiện thể giúp nó làm ít việc vặt vì ông vốn là một nhà nông chính hiệu ở Đăk Lăk. Tôi đang thầm nghĩ vì không phải dân ở đây nên chắc ông không biết tôi mới ra tù. Nhưng điều đó càng khiến tôi khó chịu hơn. Thà rằng người ta biết mà vẫn cảm thông cho mình thì vẫn tốt hơn khi họ nghĩ mình là một người bình thường tốt đẹp như bao người. Cảm giác lừa dối người khác cứ quanh quẩn trong đầu tôi. Đang vẩn vơ thì ông đánh thức tôi quay về thực tại khi bắt đầu kể về cuộc đời mình. Ông nói mình đã từng vào tù vì một vụ tranh chấp đất đai không thành nên lỡ tay đánh người khá nặng và không có tiền để đền bù hòa giải nên phải đi tù. Ông nói nhìn tôi thì đã biết mới ở chỗ ấy ra vì con gái ông đã kể trong vùng này có một trại giam. Tôi ngồi im như phỗng vì hóa ra ông đã biết nhưng vẫn cho tôi đi nhờ. Nhưng cảm giác có người cùng cảnh ngộ và cảm thông cho mình khiến tôi thấy vui trở lại. Tôi không có cái quyền đòi hỏi người thân hay xã hội phải bao dung và tha thứ cho mình nhưng trong thâm tâm mình, tôi rất mong họ sẽ làm như vậy. Ông kể ngày trước mình đi tù vì cái chuyện không quá to tát nhưng mãn hạn về nhà thì gặp phải sự ghẻ lạnh của bà con xóm làng. Có lẽ trong thâm tâm họ vào tù dù bất cứ lý do gì cũng là điều không thể chấp nhận được. Cũng có vài người giữ mối quan hệ xã giao với ông nhưng vô cùng gượng gạo, như thể họ miễn cưỡng vì sợ ông sẽ lỡ tay đả thương họ như đã từng làm với gã hàng xóm. Ông thực sự rất sốc và buồn, dù người thân có an ủi, xoa dịu, nhưng cái cảm giác lạc lõng bơ vơ giữa bà con lối xóm khiến ông chịu không nổi và phải dọn nhà vào Đăk Lăk. Đi như một sự trốn chạy cái nơi không thể chấp nhận mình. Vào Đăk Lăk ông vẫn cứ thấp thỏm sợ người ta sẽ biết chuyện mình đã từng đi tù nên cứ canh cánh trong lòng một nỗi lo. Khi ta cứ cố tâm che giấu một điều gì thì quả thật rất khổ sở. Biết thì đã sao, mình đâu có sống nhờ bát cơm của họ cả đời đâu mà lại phải như vậy! Tranh đấu với chính mình đã bao nhiêu lần nhưng ông vẫn chưa bao giờ thắng được cái nỗi sợ hãi ấy. Một lần đứa con gái ông theo mấy người hàng xóm đi chùa. Thấy hay và vui nên nó đi mỗi ngày. Rồi những khi chùa giảng kinh cả ngày thì nó cũng nghỉ việc để tham dự. Đi chùa và nghe những lời dạy của các thầy, nó về cũng khuyên ông nên sống bình thản và vui vẻ, đừng nặng nề nhiều chuyện quá khứ. Bất luận người ta biết hay không biết việc ba làm cũng không quan trọng, vì từ sau khi ra tù ba đã hoàn toàn làm một người lương thiện, không cố tình gây gổ với ai thêm lần nào. Rồi nó nói mấy thầy dạy trên đời chỉ có hai loại người mạnh nhất, đáng được tán thán và học hỏi: một là người không phạm lỗi lầm, hai là người phạm lỗi nhưng biết sửa và sẽ không bao giờ phạm vào điều đó nữa. Người không phạm lỗi chỉ có hàng thánh nhân, còn lại đa phần chúng ta đều phạm sai lầm từ trong lời nói, hành động lẫn ý niệm. Nhưng chúng ta không biết điều đó, chỉ nghĩ rằng giết người cướp của mới là tội. Vì vậy ba là một kẻ mạnh, đã không lặp lại lần thứ hai cho cùng một lỗi lầm. Ba nên vui vì điều đó mới phải, mặc kệ thiên hạ nghĩ gì. Nghe con gái nói vậy ông cũng có phần thư thả vì nghĩ mình thật sự cũng không đáng phải chịu khổ mãi như vậy. Nhưng sự thực thì cái rễ lo sợ kia chỉ là tạm thời nằm yên trước lời rao giảng và giải thích của đứa con chứ chưa bao giờ bị đánh bật cả. Thế nên thỉnh thoảng ông vẫn cứ giật mình khi thấy người ta tụm lại nói chuyện với nhau, ông cứ sợ họ biết quá khứ của ông. Mọi việc đã hoàn toàn thay đổi khi đứa con gái mang về cho ông một cuốn sách nhỏ, nó bảo hôm nay khi giảng xong, thầy phát quà cho mọi người, đó là một câu chuyện ghi lại lời dạy của Phật về cái ngắn ngủi tạm bợ của đời sống. Nó nói ba có rảnh thì coi đi, biết đâu nó có ích. Tôi hoàn toàn quên mất mình là ai, vừa từ đâu tới chỉ chăm chú nghe chuyện đời ông. Khi nghe đến điều làm ông thay đổi và xóa được hẳn cái mặc cảm tù tội và lo sợ sự ghẻ lạnh của người đời, tôi hỏi dồn: “Sách gì vậy ông?” Ông cười hề hề rồi nói tốt nhất tôi nên về nhà chơi, ông sẽ cho tôi một quyển. Rồi ông tiếp tục kể điều gì trong đó làm ông thay đổi. Xin trích dẫn nguyên văn bài Kinh ấy (lúc đầu tôi chẳng biết lời Phật dạy phải gọi là Kinh): Đời Là Cõi Tạm Ngày xửa ngày xưa, này các Tỳ Kheo, có vị thầy tu tên là Araka, người mà không còn ham muốn nhục dục. Ông có hàng trăm đệ tử, và đây là giáo lý mà ông đã dạy cho họ:“Ngắn ngủi thay cho kiếp người, này Bà La Môn, kiếp người thì có hạn và tạm bợ; và khi đã sinh ra làm người thì ai cũng mang đầy gánh khổ đau, trên thân thể và trong tâm hồn. Chúng ta nên hiểu điều này một cách khôn ngoan, bằng cách, chúng ta phải làm việc thiện và sống đời trong sạch; vì khi đã sinh ra làm người thì không ai thoát khỏi cái chết”. Giống như giọt sương đọng trên đầu ngọn cỏ, rồi tan biến vội vàng dưới tia nắng ấm áp của mặt trời; này Bà La Môn, kiếp người thì có hạn và tạm bợ; và khi đã sinh ra làm người thì ai cũng mang đầy gánh khổ đau, trên thân thể và trong tâm hồn. Chúng ta nên hiểu điều này một cách khôn ngoan, bằng cách, chúng ta phải làm việc thiện và sống đời trong sạch; vì khi đã sinh ra làm người thì không ai thoát khỏi cái chết”. “Giống như những giọt mưa từ trên trời rơi xuống, nặng hạt, va chạm vào nhau vỡ thành bong bóng nước, rồi chúng tan biến vội vàng; này Bà La Môn, kiếp người thì có hạn và tạm bợ; và khi đã sinh ra làm người thì ai cũng mang đầy gánh khổ đau, trên thân thể và trong tâm hồn. Chúng ta nên hiểu điều này một cách khôn ngoan, bằng cách, chúng ta phải làm việc thiện và sống đời trong sạch; vì khi đã sinh ra làm người thì không ai thoát khỏi cái chết”. “Giống như những giọt mưa từ trên trời rơi xuống, nặng hạt, va chạm vào nhau vỡ thành bong bóng nước, rồi chúng tan biến vội vàng; này Bà La Môn, cũng như thế, kiếp người thì mỏng manh như bong bóng vỡ. Đời người thì ngắn ngủi, có hạn, và tạm bợ; và khi đã sinh ra làm người, thì ai cũng mang đầy gánh khổ đau, trên thân thể và trong tâm hồn. Chúng ta nên hiểu điều này một cách khôn ngoan, bằng cách, chúng ta phải làm việc thiện và sống đời trong sạch; vì khi đã sinh ra làm người, thì không ai thoát khỏi cái chết”. “Giống như ta cầm nhánh vẽ hình trên mặt nước, hình vẽ tan biến vội vàng; này Bà La Môn, cũng như thế, kiếp người thì mỏng manh như bong bóng nước. Đời người thì ngắn ngủi, có hạn, và tạm bợ; và khi đã sinh ra làm người, thì ai cũng mang đầy gánh khổ đau, trên thân thể và trong tâm hồn. Chúng ta nên hiểu điều này một cách khôn ngoan, bằng cách, chúng ta phải làm việc thiện và sống đời trong sạch; vì khi đã sinh ra làm người, thì không ai thoát khỏi cái chết”. “Giống như ta cầm nhánh cây vẽ hình trên mặt nước, hình vẽ tan biến vội vàng; này Bà La Môn, cũng như thế, kiếp người thì nhạt nhòa như hình vẽ loang ra trên mặt nước. Đời người thì ngắn ngủi, có hạn, và tạm bợ; và khi đã sinh ra làm người, thì ai cũng mang đầy gánh khổ đau, trên thân thể và trong tâm hồn. Chúng ta nên hiểu điều này một cách khôn ngoan, bằng cách, chúng ta phải làm việc thiện và sống đời trong sạch; vì khi đã sinh ra làm người, thì không ai thoát khỏi cái chết”. “Giống như dòng suối trên núi, xuất hiện từ phương xa, nhanh chóng đổ xô xuống từ trên cao, cuốn theo nhiều xác lá vụn rồi vun vút lao về phía trước, không có lúc nào ngừng nghỉ; này Bà La Môn, cũng như thế, kiếp người thì mỏng manh như bong bóng nước. Đời người thì ngắn ngủi, có hạn, và tạm bợ; và khi đã sinh ra làm người thì ai cũng mang đầy gánh khổ đau, trên thân thể và trong tâm hồn. Chúng ta nên hiểu điều này một cách khôn ngoan, bằng cách, chúng ta phải làm việc thiện và sống đời trong sạch; vì khi đã sinh ra làm người thì không ai thoát khỏi cái chết”. “Giống như người lực sĩ dùng lưỡi trong miệng, gom một mảng nước bọt vào đầu lưỡi, rồi nhổ nó ra dễ dàng; này Bà La Môn, cũng như thế, kiếp người thì mỏng manh như bong bóng nước. Đời người thì ngắn ngủi, có hạn, và tạm bợ; và khi đã sinh ra làm người, thì ai cũng mang đầy gánh khổ đau, trên thân thể và trong tâm hồn. Chúng ta nên hiểu điều này một cách khôn ngoan, bằng cách, chúng ta phải làm việc thiện và sống đời trong sạch; vì khi đã sinh ra làm người, thì không ai thoát khỏi cái chết”. “Giống như miếng thịt bị ném vào một cái chảo sắt đã bị đốt cháy suốt ngày, miếng thịt sẽ bị nướng cháy hoàn toàn; này Bà La Môn, cũng như thế, kiếp người thì mỏng manh như bong bóng nước. Đời người thì ngắn ngủi, có hạn, và tạm bợ; và khi đã sinh ra làm người, thì ai cũng mang đầy gánh khổ đau, trên thân thể và trong tâm hồn. Chúng ta nên hiểu điều này một cách khôn ngoan, bằng cách, chúng ta phải làm việc thiện và sống đời trong sạch; vì khi đã sinh ra làm người, thì không ai thoát khỏi cái chết”. “Giống như con bò bị dẫn ra lò sát sinh để làm thịt, mỗi bước chân bò bước tới là tiến đến gần lò sát sinh hơn, đưa cổ gần kề cái chết; này Bà La Môn, cũng như thế, kiếp người thì mỏng manh như bong bóng nước. Đời người thì ngắn ngủi, có hạn, và tạm bợ; và khi đã sinh ra làm người, thì ai cũng mang đầy gánh khổ đau, trên thân thể và trong tâm hồn. Chúng ta nên hiểu điều này một cách khôn ngoan, bằng cách, chúng ta phải làm việc thiện và sống đời trong sạch; vì khi đã sinh ra làm người, thì không ai thoát khỏi cái chết”. Này các Tỳ Kheo, vào lúc đó tuổi thọ của con người là 60.000 năm. Vào thời kỳ này các thiếu nữ chờ đến 500 tuổi họ mới bắt đầu lập gia đình. Trong những ngày này con người chỉ có sáu sự phiền não: sự lạnh lẽo, sự nóng bức, sự đói ăn, sự khát nước, đi cầu và đi tiểu. Mặc dù mọi người sống rất lâu và chịu rất ít phiền não, thầy Araka vẫn giảng dạy cho các đệ tử rằng: “Đời người thì ngắn ngủi, có hạn, và tạm bợ; và khi đã sinh ra làm người, thì ai cũng mang đầy gánh khổ đau, trên thân thể và trong tâm hồn. Chúng ta nên hiểu điều này một cách khôn ngoan, bằng cách, chúng ta phải làm việc thiện và sống đời trong sạch; vì khi đã sinh ra làm người, thì không ai thoát khỏi cái chết”. Này các Tỳ Kheo, ngày nay chúng ta có thể nói một cách đúng đắn, “Đời người thì ngắn ngủi, có hạn, và tạm bợ; và khi đã sinh ra làm người, thì ai cũng mang đầy gánh khổ đau, trên thân thể và trong tâm hồn. Chúng ta nên hiểu điều này một cách khôn ngoan, bằng cách, chúng ta phải làm việc thiện và sống đời trong sạch; vì khi đã sinh ra làm người, thì không ai thoát khỏi cái chết”; bởi vì con người ngày nay chỉ sống thọ đến một trăm năm hoặc là hơn một chút. Và khi sống một trăm năm, chúng ta chỉ có ba trăm mùa: một trăm mùa đông, một trăm mùa hè, và một trăm mùa mưa. Khi sống một ngàn hai trăm tháng, chúng ta chỉ có số lần cho mỗi-chu-kỳ-hai-tuần là hai ngàn bốn trăm lần: tám trăm lần mùa đông cho mỗi-chu-kỳ-hai-tuần, tám trăm lần mùa hè cho mỗi-chu-kỳ-hai-tuần, và tám trăm lần mùa mưa cho mỗi-chu-kỳ-hai-tuần. Và khi sống hai ngàn bốn trăm lần cho mỗi-chu-kỳ-hai-tuần (nghĩa là 100 năm), chúng ta chỉ có 36.000 ngày: 12.000 ngày mùa đông, 12.000 ngày mùa hè, và 12.000 ngày mùa mưa. Và khi sống 36.000 ngày, chúng ta chỉ có 72.000 bữa ăn: 24.000 bữa ăn vào mùa đông, 24.000 bữa ăn vào mùa hè, và 24.000 bữa ăn vào mùa mưa. Và chuyện ăn uống này bao gồm việc bú sữa mẹ và những lần không ăn. Và đây là lý do cho những lần không ăn: khi bị khó chịu, khi bị buồn phiền vì đau khổ, hoặc khi bị đau ốm, và khi không ăn uống vì lý do tôn giáo hoặc khi chúng ta không kiếm được thức ăn. Này các tỳ kheo, ta đã ước lượng đời sống của một người đến trăm tuổi: sự giới hạn về tuổi thọ của họ, tổng kết các con số mà họ đã sống như: số mùa, số năm, số tháng, số lần cho mỗi-chu-kỳ-hai-tuần, số ngày đêm, số bữa ăn, và số bữa không ăn. Vì ta có lòng từ bi, vì ta muốn các đệ tử có sự phước lợi, nên những gì cần phải làm từ một vị thầy từ bi, ta đã làm xong. Này các Tỳ Kheo, hãy nhìn xem, nơi đây là gốc rễ cây; nơi kia là những túp lều trống. Này các Tỳ Kheo, hãy chú tâm thực tập thiền định, không được lơ là, cẩu thả, kẻo mà hối tiếc về sau. Đây chính là bài giảng của ta cho các ông.”[1] Ông nói khi đọc xong bản kinh cảm thấy như thể nó dành cho mình nên ngồi lại và bắt đầu suy nghĩ. Như đức Phật nói thì ông sinh ra vào lúc tuổi thọ chỉ còn có mấy mươi, mà ông lại đang gần chạm đến cái giới hạn của nó, tức gần đất xa trời rồi, vậy thì có uổng phí hay không khi cứ mãi ôm cái nỗi lo sợ vô cớ ấy mỗi ngày đến nỗi ăn ngủ gì cũng cứ canh cánh không biết lúc nào người ta sẽ biết. Ngồi nhìn lại thì cuộc đời ông chả có gì gọi là sung sướng từ tấm bé: sinh ra trong thời loạn lạc, mọi nhu cầu đều thiếu hụt, đến tuổi lập gia đình thì lại phải làm thuê làm mướn để nuôi vợ nuôi con. Bao nhiêu là nỗi vất vả từ vật chất đến tinh thần ông đã phải nếm trong suốt mấy mươi năm, vậy còn chưa đủ hay sao mà cứ phải ôm thêm cái cục lo sợ những lỗi lầm quá khứ mãi vậy! Đức Phật chẳng phải đã dạy rất rõ ràng là phải tranh thủ những tháng ngày ngắn ngủi của kiếp người để làm thiện và tích đức đó sao? Nếu ông buông ra từ sớm và chăm chỉ vun bồi nghĩ thiện làm thiện chắc ông đã thoải mái lắm trong hai mươi mấy năm trời chứ không phải luống uổng tháng ngày vào cái nỗi sợ vô bổ không hình tướng này. Ông thú thật chẳng hiểu gì lời dạy cho các vị Tỳ Kheo ở đoạn sau, ông chỉ cảm thấy mấy phần đầu là hợp với mình vì nó làm ông dễ hiểu, và lời Phật dạy còn sâu sắc hơn thế nhiều chứ không đơn thuần ở việc làm thiện tích đức. Nhưng với ông bấy nhiêu cũng đủ rồi, vì kể từ ngày ông có được cuốn sách nhỏ ấy, người ta bắt đầu thấy ông thay đổi. Ông vui vẻ cởi mở hơn với xóm giềng, tham gia vào các việc công ích xã hội như phụ xây đường bê tông, phụ người ta phát rẫy, dọn cỏ lúc ông không bận việc nhà. Hơn hết là ông dành thời gian cho việc tìm hiểu thêm về lời Phật dạy. Không thể kể hết nhưng đại khái là ông dường như đã rũ bỏ hoàn toàn nỗi sợ hãi. Lúc trước ông không cho phép mình quá thân cận với mọi người, vì sợ họ bắt chuyện rồi sẽ vô tình moi móc được cái quá khứ tù tội của mình. Ngay cả vợ con, ông cũng hạn chế việc giao tiếp của họ. Ông làm cho mình và người thân bị giam lỏng trong cái nỗi sợ vô hình hơn hai chục năm trời. Đó là lý do giờ đây ông có thể chấp nhận và chuyện trò với tôi như một người bình thường. Sau khi biết được giá trị của đời người, ông không để thời gian của mình luống uổng vào những điều nhỏ nhặt không đáng nữa. Ông nhận ra một cuộc đời chỉ có ý nghĩa khi ta sống trọn vẹn và hết mình trong khả năng và giới hạn của ta. Nói cách khác, sống sao để khi buông tay nhắm mắt lòng thanh thản không hối hận, đừng để đến lúc hấp hối lại khởi niệm “giá như mình có thể làm lại…”. Và hơn ai hết ông hiểu cái cảm giác mặc cảm và lo lắng của một kẻ lầm lỗi nay muốn hòa nhập với cộng đồng như thế nào, nên ông đã xóa ngay cái ranh giới ấy ngay khi vừa thấy bóng dáng lầm lũi của tôi. Xe dừng trước nhà con gái ông, tôi được chào đón như một người khách quá bộ lỡ đường. Trong đêm đó tôi nhắc ông nhớ cho tôi cuốn sách nhỏ ấy vì nó chắc chắn sẽ giúp tôi tìm thấy sức mạnh của sự sửa đổi và làm cho người khác chấp nhận con người mới của mình thay vì ngồi chờ lòng thương hại và tha thứ của họ. Lúc chúng ta làm điều sai trái bằng tất cả sự hùng hổ can đảm, thì bây giờ cũng hãy lấy sự dũng cảm ấy để chịu đựng sự khi dễ của mọi người. Con người chắc chắn sẽ mạnh mẽ và có ích hơn nếu họ biết nhân quả công bằng như thế nào. Vì vậy thay vì buông lời trách móc thái độ của người khác, hãy dành thời gian để làm mới thân tâm của mình. Nhìn sâu vào nhân quả thì người ta không thực sự muốn đối xử với những người phạm lỗi như vậy, nhưng đó là những gì họ phải gánh chịu vì đã làm người khác khổ. Mình không thể oán trách rằng “tôi đã phải chịu cảnh tù tội ngần ấy năm vậy còn chưa đủ hay sao? Sao lại không cho tôi một cơ hội làm lại chứ?” Họ đâu phải là người xúi mình làm bậy đâu mà bảo họ cho mình cơ hội làm lại. Giải pháp tốt nhất là tự mình quyết tâm sống thiện, làm thiện, nghĩ thiện để chuộc lại lầm lỗi trước đây với bản thân và cuộc đời, dù có phải chịu nhiều cay đắng và tủi nhục, dù phải chịu sự ghẻ lạnh quay lưng của người đời. Chỉ là nhân quả tự thân gây ra nên nếu can đảm đón nhận và thay đổi thì quả ngọt sẽ lại tìm về. Nhưng tiện đây tôi cũng muốn nói vài lời về sức mạnh của lòng bao dung. Trong cuộc đời, những người lầm lỗi chẳng mấy ai hiểu được cái gọi là tự thân sửa đổi để được chấp nhận, phần lớn họ đều rất cần một vòng tay bao dung của cộng đồng. Có mất mát gì đâu nếu ta cho họ một nụ cười ấm áp, một cái nhìn cảm thông hay một sự giúp đỡ chân tình dù chỉ là điều nhỏ nhặt! Tất cả với ta sẽ chẳng mất gì, nhưng bù lại những người lầm lỗi sẽ tìm thấy cả bầu trời bao dung hạnh phúc. Phật dạy chúng sanh thiện tâm ai cũng có, chỉ là bị che khuất bởi tham lam và ích kỷ nhất thời. Vì vậy khi họ đã phải trả giá và mong muốn được làm lại thì tiếc gì mà không chìa cho họ một bàn tay. Bao dung với người cũng là tạo cơ hội cho mình. Nhân quả tuần hoàn, ai biết mình sẽ gặp phải tai bay vạ gió lúc nào, cho nên nếu đã có duyên gặp nhau trên cõi đời ngắn ngủi tạm bợ này thì hãy cho nhau nụ cười thay vì quay lưng bỏ mặc. Khi bạn làm người khác thấy bình yên và đón nhận, bạn đang hành pháp bố thí vậy. Nếu ai đó nói rằng “hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ bẩy cả thế giới” thì bạn hãy “cho người khác một cơ hội”, vì họ có thể sẽ thay đổi cả lịch sử cuộc đời mình.
CHUYỆN CÔ TƯ
Người tham đắm ái dục Tự lao mình xuống dòng Như nhện sa lưới dệt. Nằm nhẩm lại những câu kinh Pháp Cú mà cô Tư thấy buồn đến lạ. Buồn vì mình đã không biết đến Phật pháp sớm hơn một chút thì có lẽ đã không phải chịu nhiều đau khổ đến vậy. Song ít nhiều thì bây giờ cô cũng đã bớt khổ não và có cơ hội buông hết để làm lại từ đầu. Còn chồng cô chắc vẫn còn xa lắm khi ngày ngày vẫn đắm mình trong bể ái dục. Cô Tư đến với người chồng hiện tại trong sự ngăn cản của gia đình vì họ cho rằng anh không đem lại hạnh phúc cho cô. Người lớn tuổi với kinh nghiệm sống phong phú và nhiều trải nghiệm, thoạt nhìn đã có thể nắm bắt được phần nào tâm tính của một con người, huống hồ anh tới nhà cô thường xuyên như vậy làm sao họ không thấy tính cách thật của anh. Có điều khi người ta còn trẻ thì luôn có quan niệm yêu hết mình và không hối hận. Đắm chìm trong đó họ cơ hồ chẳng còn nhận ra điều gì nữa. Phương Tây có câu “Follow your heart but take your brain with you” có nghĩa là hành động theo trái tim nhưng nhớ đem theo bộ não. Để làm gì vậy? Não bộ tượng trưng cho lý trí. Với bất kỳ hành động tạo tác nào cũng đừng chỉ làm theo cảm tính mà phải vận dụng cả khối óc để tránh ăn nhầm quả đắng cả đời. Nhưng người ta thường nói khi yêu chẳng ai còn lý trí, vì vậy mới có những người bất chấp tất cả, miễn là được ở bên nhau. Cô Tư đã vượt qua tất cả những rào cản gia đình để đến với anh. Những tưởng anh sẽ cảm kích và bảo bọc cô cả đời, ai ngờ chỉ sau một thời gian ngắn ngủi là anh bỏ lại cô đi tìm người mới. Trong mười hai nhân duyên đức Phật dạy có ái thì chấp thủ sẽ sinh. Không đơn thuần chỉ là ái dục mà cơ bản là mọi thứ mình yêu thích và cảm thấy vừa mắt thì sẽ cố tâm để có được. Trong tất cả tham ái, ái dục là thứ người ta cam tâm tình nguyện lao đầu vào và bất chấp tất cả, vì nó có một sức hút vô cùng mãnh liệt. Đức Phật nói không có một trói buộc nào mạnh mẽ bằng ái dục. Xiềng xích có thể chỉ đủ sức trói buộc người ta một đời nhưng ái dục sẽ trói người ta trong luân hồi vạn kiếp. Và nó có thể coi là cội gốc của sinh tử trầm luân. Chính vì vậy nên khi thứ mình yêu thích nhất tuột khỏi tầm tay thì sẽ đau khổ biết chừng nào. Cô vật vã đau đớn vì không thể chấp nhận tình yêu của mình bị sẻ chia cho bất kỳ một ai khác. Chồng cô chẳng những không hối lỗi mà còn quay sang đánh đập và đuổi cô ra khỏi nhà cho đỡ chướng mắt, rồi lại tiếp tục tìm vui bên những người khác nữa. Giá mà ngày đó cô hiểu Phật pháp có lẽ cô sẽ buông tay anh ra để giải thoát cho mình. Khi hai người không còn thấy hứng thú khi ở bên nhau nữa chắc duyên nợ đã cạn. Hiểu và buông sớm thì đau khổ cũng nhanh thôi sẽ lành. Đằng này cô không biết cái gì gọi là duyên nợ, nghiệp chướng nên cứ lao đầu ra mà giành lại cho bằng được cái kẻ bội tình bạc bẽo đó. Không đuổi được cô anh quay ra hành hạ cho bõ ghét. Những tháng ngày bất hạnh từ đó cứ kéo dài. Giờ ngồi nghĩ lại cô cảm thấy thương cho cái thân phận đàn bà ghê gớm. Vì yêu mà ngay cả chút tự tôn cũng không còn. Nếu quả thực còn chút lòng tự trọng thì chỉ với những sai lầm đầu tiên của anh, cô nên dừng lại. Đằng này cô cứ lao đầu vào làm một con thiêu thân ngu xuẩn. Anh ngoại tình chỗ nào là cô nhào tới chỗ ấy khóc lóc giành giật, lôi về, rồi chăm sóc, rồi thương yêu, lo lắng để khi tỉnh dậy lại nếm mùi bị đánh đập hành hạ. Ngày cô tìm đến cái chết để giải thoát cho mình cũng chỉ vì chịu đòn hết nổi rồi chứ không phải vì hết thương anh. Có lẽ nghiệp duyên vẫn còn nên sau hai lần tự tử mà cô vẫn không chết. Sau đó chẳng những không oán giận chồng mà cô còn tin lời ngon ngọt của anh để đưa hết tiền của cho anh đi nuôi người khác với danh nghĩa làm ăn. Kết cục là họ say sưa hưởng thụ cho đến khi vỡ nợ thì cô phải vào tù vì giấy tờ đứng tên cô. Khi cô phải chịu cảnh tù tội thì anh lại thỏa thuê ở với người đàn bà khác. Nghiệp chướng cũng thật trớ trêu khi cô đối với anh chẳng có chút mảy may thù giận. Sau tất cả những bi kịch đó cô vẫn quay về với anh khi mãn hạn tù, và lại tiếp tục đi bắt ghen trong tột cùng của sự đau khổ. Tức nước vỡ bờ, trong một lần bắt ghen cô quyết định mang theo dao để kết liễu cuộc đời kẻ làm cô đau khổ, nhưng con cái đã ngăn lại và họ đưa cô đi du lịch với bạn bè để giúp cô bình tâm lại. Đây cũng là khoảng thời gian cô được gặp “Phật và những lời dạy của Ngài”. Theo chân cô bạn đến chùa, cô được sống với những giây phút bình an đến lạ. Không còn ghen tuông đau khổ, không còn khổ não lụy tình. Rồi cô được ở lại nghe thầy giảng và tu tập. Qua những bài giảng của thầy, cô đã nhận ra những gì mình gánh chịu bao gồm cả nhân trong những đời quá khứ và cả đời hiện tại. Lúc tuổi trẻ cô đã vì sự đùa cợt háo thắng của mình mà làm người khác phải chết vì đau khổ, nên cái giá cô phải trả cũng không phải nhẹ nhàng gì. Với chồng, có lẽ trong những kiếp sống trước chắc cô cũng đã từng đối xử với anh như vậy nên giờ đây mới điên cuồng yêu không thể bỏ được. Rồi câu chuyện thầy kể cô cũng nhớ để nhắc nhở bản thân rằng mình với anh ta chắc duyên nợ cạn rồi. “Có một chàng trai bị người yêu bỏ đi lấy chồng, anh ta đau khổ tìm lên chùa tìm gặp sư thầy để giải khuây. - Tại sao con yêu cô ấy nhiều như vậy mà cổ vẫn bỏ con đi lấy người khác? Sư thầy chẳng nói gì chỉ đưa cho anh ta một chiếc gương, trong đó có hình ảnh một cô gái đẹp nằm chết bên đường không ai đoái hoài. Mọi người đều đi qua… Rồi có một anh chàng dừng lại và đắp cho cô ta chiếc áo, rồi cũng bỏ đi. Một hồi lâu sau có một chàng trai khác đem cô ấy đi chôn. Sư thầy nhìn anh và nói: - Kiếp trước anh chỉ là người đắp áo cho cô ấy thôi, còn người chồng hiện tại là người kiếp trước đã chôn cô ấy. Anh với cô ta chỉ là có chút duyên mà thôi”. Câu chuyện là một bức tranh hư cấu phác họa chút phân đoạn ngắn ngủi trong mối quan hệ duyên nợ nhân quả mà chúng ta mỗi ngày gieo trồng và tạo tác. Kinh Tứ Thập Nhị Chương dạy rằng con người ta khi đến với thế giới này vốn đã mang trong mình năng lượng của dục, đặc biệt là ái dục. Hiểu nôm na thì dục là những đam mê mang tính chất vật lý bên ngoài, ái là thứ vướng mắc, đam mê phát sinh từ cảm thọ, ý thức và nghiệp lực. Chúng ta cứ mãi loanh quanh lăn lộn trong cõi nhân gian là do ý dục làm chủ. Chỉ những bậc thánh vì bổn nguyện tái sanh thì họ mới không đi vào con đường của dục tưởng. Vì khởi dục nên tái sanh lại trong ba cõi sáu đường, vì vậy Kinh Tứ Thập Nhị Chương mới nói rằng “năng lượng của dục là một năng lượng tự hữu”. Nói như vậy để thấy thoát khỏi sự chi phối của ái dục không phải chuyện giản đơn nếu không biết đến lời Phật dạy. Hệ thống triết học Ấn Độ ngày xưa cũng đã tìm ra luật nhân quả và sự tái sinh cũng như thuyết luân hồi, nhưng không ai thoát khỏi sự chi phối của sinh tử cho đến khi đức Phật giác ngộ. Vì vậy chỉ duy nhất lời dạy của Phật mới có khả năng đưa người ta thoát khổ. Dù chưa phải là giải thoát thật sự nhưng chí ít hành theo lời Phật người ta sẽ học cách buông bỏ, giảm thiểu sự ham mê dính mắc vào ngũ dục lục trần. Hãy thực hành “cầm được thả được, nắm được thì buông được” để tâm được nhẹ nhàng. Bớt gieo thì bớt dính, bớt dính thì bớt khổ. Khi hạt giống thiện được gieo trồng, hạnh phúc sẽ có mặt. Nước mắt cô giờ đây rơi mỗi ngày sau khi nghe thầy giảng nhưng đó không còn là những giọt nước mắt của ghen tuông bất lực, hay sự buồn khổ của một kẻ lụy tình. Đó là những giọt nước mắt của hạnh phúc khi tìm về với Phật.
ĐÁNH RƠI MẶC CẢM
Căn phòng đơn sơ bên hông một ngôi chùa nằm ẩn mình sâu trong hẻm. Từ ngoài đường quốc lộ muốn vào chùa phải băng qua gần chục con hẻm được bao bọc bởi những nông trại rau sạch cung cấp cho các thành phố lớn. Chùa do một vị ni sư trụ trì, sau lưng lại là những vườn rau hút tầm mắt. Vì cái vị trí không mấy thuận tiện này nên chùa hầu như chẳng có lấy một vị khách thập phương, người dân cũng bận bịu với vườn tược nên cũng họa hoằn lắm mới ghé qua chùa, nhìn khung cảnh buồn teo đến phát khóc. Nhưng đó là cảm giác của hơn một năm trước, nó giờ đây đã được khai sáng rồi. Hai năm trước mẹ nó qua lời giới thiệu của một người bạn đã đến viếng chùa và sau đó quyết định gửi nó lên đây. Vụ tai nạn đã cướp đi đôi chân của một đứa con gái mới lớn như nó quả là một nỗi ám ảnh kinh hoàng khó mà chấp nhận được, và nơi vắng vẻ này sẽ giúp nó giảm bớt đi cái mặc cảm bị người ta dòm ngó dễ đem lại cảm giác tủi thân rồi nghĩ quẩn. Sau khi từ bệnh viện về nó chẳng còn tha thiết muốn làm gì mỗi khi nhìn xuống đôi chân, có chăng chỉ là một nỗi oán hận cuộc đời sâu sắc. Dù có vắt đến nát óc nó cũng không thể hiểu nổi tại sao tai họa lại ập xuống đầu một đứa chỉ biết ăn rồi học, chưa từng làm điều gì sai quấy như nó. Phút chốc mọi thứ được chuẩn bị cho một tương lai tươi đẹp bị cái bánh xe nghiền nát. Sự đau khổ chẳng còn lời nào có thể diễn đạt được nữa. Và nó buông xuôi mọi thứ để chấp nhận kiếp sống tật nguyền trong sự mặc cảm tuyệt vọng. Mẹ đưa nó tới gặp ni sư để trình bày hoàn cảnh và xin cho nó một không gian mới để học cách vượt qua cú sốc này. Không còn cảm xúc gì bên trong nó nữa, mọi thứ dường như đã chấm hết. Ý định tự vẫn đã lởn vởn trong đầu nó từ những ngày còn ở bệnh viện mỗi khi nhìn xuống đôi chân, nhưng tình thương của cha và mẹ đã níu giữ nó lại. Ni sư chẳng bao giờ hỏi han hay an ủi gì nó nhiều. Bà chỉ chăm sóc nó và ngôi chùa như một cái máy nhưng nó cũng đâu quan tâm làm gì. Con người ta bình thường nếu chẳng có biến cố gì thì chắc họ cũng không rảnh để nghiên cứu và nghiền ngẫm về cuộc sống, chính vì vậy tuyệt vọng là khoảng thời gian quý báu để làm việc đó. Chỉ cần chúng ta còn nguyên bộ não thì mọi việc chắc chắn là được giải quyết. Nó dù bất cần đời nhưng vẫn muốn đọc sách như một cách giết thời gian, bởi lẽ nó đã học rất giỏi trước khi xảy ra vụ tai nạn. Và nhân duyên này là cột mốc hồi sinh cuộc đời nó. Chùa nhỏ nên sách cũng không nhiều, chỉ có những cuốn sách mà sư bà tâm đắc từ hồi còn ở với chúng trong thành phố và một ít được góp nhặt mỗi khi mấy cô như bạn của mẹ nó đem theo cúng dường mỗi khi có dịp về thăm chùa và ni sư. Nói thì có vẻ mơ hồ nhưng sự thật là nếu lòng ta có một chút niềm tin nơi Phật pháp thì chắc chắc sẽ có cơ duyên tiếp cận điều mình muốn tìm. Bất kể là kinh hay luận, là lời của chính đức Phật hay các vị thánh đệ tử của Ngài thì cũng đều phát xuất từ sự khai ngộ và lòng từ vô hạn, và chúng tạo ra một thứ năng lượng cảm ứng cho chúng sanh mỗi khi cần. Qua những cuốn sách đó, nó dần hiểu được tại sao người ta có mặt trên cuộc đời với muôn hình vạn trạng khác biệt nhau như vậy, cả về ngoại hình lẫn tính cách rồi địa vị xã hội… Đó là bài học nhân quả. Rồi đến nhân duyên tụ tán giả huyễn của chúng sanh. Dần dần nó thực sự bị cuốn hút vì những lời Phật dạy có thể giải thích hầu hết những thắc mắc mà trước đây chưa có ai nói cho nó biết. Đọc sâu hơn nó nhận ra rằng con người ta không phải cứ chết là hết, mọi sự tồn tại đều có mở đầu rồi cứ tiếp nối mãi trong ba cõi sáu đường để diễn cho tròn các vai mà tâm thức mình vô tình hay cố ý đã gây tạo, cho tới khi nó thanh tịnh hoàn toàn không còn lăng xăng vướng bận nữa thì kết thúc vòng luân hồi, đó là sự giải thoát, thoát khỏi sự trói buộc của tâm thức về những ý niệm bám víu mê muội. Nó đã tìm thấy viên đá đè nặng trong lòng bấy lâu nay và gỡ bỏ xuống. Lăn xe ra khỏi phòng nó đi về phía khu vườn rồi dừng lại để cảm nhận sự tồn tại của chính mình và vạn vật mà cách đây hơn một năm nó suýt nữa thì hủy hoại. Nhìn xuống đôi chân cụt ngang gối nó nở một nụ cười. Sự mầu nhiệm của Phật pháp không nằm ở những ánh hào quang trên mây hay một luồng sáng bất chợt làm người chết sống dậy. Nếu quả thật có sống dậy thì sau này cũng phải chết, rồi lại trôi lăn mịt mờ… Chỉ khi con người ta hội đủ duyên lành để học và hiểu lời Phật dạy, xoay chuyển tâm ý mình theo hướng tích cực hơn, biết trân quý và tận dụng sự quý báu của kiếp người để gieo trồng hạt giải thoát, đó mới là sự mầu nhiệm đích thực.
GIẬT MÌNH
Lão Sáu đang ngồi nhâm nhi ly trà vừa mới châm cách đây vài phút thì con bé Út tạt về nhắn lại là thầy hỏi thăm ba, nói khi nào ba thấy khỏe thì lên thầy uống trà. Chả là mấy hôm trước lão cùng thầy và hơn chục người nữa cùng đi ra miền Trung để cứu trợ đồng bào lũ lụt, vì mưa gió kéo dài và lão cũng đã ngoài sáu mươi, sức đề kháng giảm sút nên lão nhiễm lạnh. Lão chẳng giàu có gì nhưng được cái sốt sắng, thầy đi từ thiện chỗ nào là có mặt lão chỗ nấy, lại còn đều đặn cùng với vợ con nấu cháo từ thiện cho bệnh viện vào mỗi sáng Chủ nhật, cái ngày duy nhất mà lũ con lão đều được nghỉ học, nghỉ làm. Cứ mỗi bận nấu cháo là lão tranh thủ quảng cáo về cái thư viện “cây nhà lá vườn” của mình cho mọi người. Đó là một căn phòng nhỏ được xây đàng hoàng và lắp kính, nó không đủ rộng cho mọi người có thể ngồi đọc, chỉ có thể mượn đem về mà thôi. Phía trước lão bài trí nhiều loại cây và lá để căn phòng thêm phần mát mẻ. Lão quý cái phòng sách ấy lắm vì nó chứa đựng cả nguyện vọng của lão từ cái ngày cảm nhận được sự mầu nhiệm của Phật pháp. Nhà lão cách bệnh viện không quá xa nên lão hay bảo những người lấy cháo nếu muốn đọc sách gì trong lúc trông chừng người nhà thì nhân lúc ra ngoài mua đồ cá nhân có thể ghé lại nhà lão lấy vài cuốn, trả lại hay không cũng không sao, miễn là chịu đọc. Nếu họ thấy hay và muốn giữ thì đó cũng là cách tốt để họ giúp lão chia sẻ cho người khác. Mấy đứa con lão mỗi tháng đều cho một ít, lão dùng vào việc mua sách và làm từ thiện. Có khi lão xin được từ các chùa và đem về để ở đấy với mong muốn người ta sẽ biết thêm được về Phật pháp. Nhiều người nhất là người lớn tuổi thường thích nghe băng đĩa hơn là việc đeo kính rồi đọc nhưng lão thì khác, lão tìm thấy cái thú của đọc sách và có thể dừng lại bất cứ đâu để trầm ngâm chiêm nghiệm mỗi khi đắc ý. Đó là lý do lão coi cái thư viện nhỏ của mình như báu vật. Lão thật sự đã làm tốt lời Phật dạy vì với nhiều người cái họ thích thì không muốn chia sẻ vì sợ hư hao. Trong Phật pháp nếu không chia sẻ điều mình biết bằng cách này hay cách khác đó là gián tiếp chôn pháp, một suy nghĩ rất là cạn cợt. Lão Sáu thay bộ đồ lam rồi lấy xe lên chùa. Thầy trụ trì còn rất trẻ, chỉ đáng tuổi đứa con giữa lão thôi nhưng thật sự rất ra dáng một vị tu hành. Tuy có đôi lúc thầy đưa ra những quyết định bồng bột nhưng lão vẫn quý thầy, và thầy cũng quý lão. Những lúc uống trà với nhau lão cũng lựa lời mà góp ý những thiếu sót để thầy nghe, chắc thầy với lão có duyên từ những đời quá khứ nên thầy luôn lắng nghe và sửa đổi sau mỗi lần lão góp ý. Thầy về trụ trì chỉ mới gần hai năm nay thôi nên cũng chẳng rõ hết mọi người. Thầy quý lão và nghĩ chắc hẳn lão đã giác ngộ Phật pháp từ rất lâu rồi nên giờ mới có cái phong thái ung dung đó. Hôm nay lão gặp thầy và tự nhiên muốn kể về cuộc đời lão cho thầy nghe như một sự trải nghiệm. Người già là như vậy, dù có học Phật và ít nhiều tin hiểu nhưng họ cũng chỉ là những người già, ngoài lúc công phu ra thì họ vẫn muốn chuyện trò với con cháu để tìm chút niềm vui. Căn bản vì đây không phải là kiếp cuối cùng để chứng quả, nó chỉ là đang trên đường thôi nên mọi nhu cầu của người xuất gia hay tại gia đôi khi cũng rất bình thường. Hồi tưởng về cái quá khứ “oanh liệt” của một bợm nhậu đã từng khiến vợ con điêu đứng, lão Sáu không khỏi xúc động. Nếu không có chút duyên lành từ kiếp trước thì chắc giờ lão vẫn còn đang say mèm ở đâu đó chứ không phải còn đủ tỉnh táo để nhận ra đâu là ý nghĩa của cuộc đời và được ung dung uống từng ngụm trà với thầy như bây giờ. “Con của mười lăm năm trước là một bợm nhậu vô dụng thầy ạ”, lão bắt đầu câu chuyện. “Dân lao động nghèo như chúng con ban ngày thì làm việc rồi đến chiều tối là hẹn nhau để uống một chút cho vui vẻ. Nhưng con vốn không ngờ chính những lần “một chút” ấy đã làm tăng khả năng hấp thụ bia rượu trong con và con đã không thể sống mà thiếu rượu. Cũng không khác với bất kỳ chất gây nghiện nào có hại cho sức khỏe, rượu cũng làm con khốn khổ và cảm nhận rõ rệt sức khỏe mình suy yếu nhưng không rứt ra được, vì khi ấy số lượng nạp vào người con đã không còn là con số vài ngụm cho vui mà đủ để biến con thành nô lệ của rượu. Ngày tháng trôi qua con càng trượt dài trong hơi men không cách nào dừng lại. Nghề ngỗng không còn nên về sau chỉ tìm cách để có rượu uống chứ không cần mồi nữa. Con thiết nghĩ cuộc sống muốn được nhẹ nhàng thì dù không giúp ích được cho ai mình cũng đừng làm người khác khổ. Nhân quả rất rõ ràng khi con đã dùng thời gian quý báu của tuổi trẻ đi làm khổ mọi người thay vì sống có ích. Rượu làm con mất lý trí nên chuyện té bờ té bụi không cần phải bàn cãi. Đỉnh điểm của hệ lụy này là con gặp tai nạn giao thông và bị chấn thương vỏ não, ảnh hưởng này làm khứu giác cũng không còn hoạt động nữa. Người ta thường thức tỉnh khi đối mặt với những bi kịch lớn của cuộc đời nhưng con thì không như vậy. Sau tai nạn con chẳng những không quay đầu mà còn tự cho mình cái quyền hận đời vì gặp phải sự xui xẻo đó, và rồi khi lượng rượu tăng lên thì sự đau khổ con đem lại cho gia đình cũng tăng lên mấy lần. - Bác Sáu gái và mấy đứa nhỏ chịu đựng bác cũng giỏi quá! - Thầy đột ngột ngắt dòng tư tưởng của lão. - Tức nước vỡ bờ thầy ơi! Sau đợt đó họ bỏ con đi luôn. - Người chứ cũng đâu phải thánh thần gì mà kham nhẫn nổi. - Dạ con cũng không dám trách cứ gì, có điều thứ bên con lúc ấy cũng chỉ có rượu. Nhiều khi tỉnh ra con biết tất cả đều do con. Cuộc sống vốn không dễ dàng gì vậy mà con lại bê tha hư đốn dồn gánh nặng mọi thứ lên đầu vợ con. Nếu không có những tháng ngày cải tạo cách ly với rượu chè chắc giờ con cũng chẳng thoát được. Khi tỉnh biết mình sai vậy mà rồi lại đâu vào đó. Rượu như một thứ ma quỷ, ám con mọi khoảnh khắc. Tất cả những suy nghĩ hối hận trách móc và muốn dừng lại để sửa đổi đều bị nó che đậy bằng cái lý do sến súa: uống cho quên đi tất cả. Ngày con bị bắt đưa vô trại cải tạo vì lý do quấy rối trật tự, vợ con có về và khuyên con ráng mà thay đổi. Nếu môi trường khắc nghiệt quá thì ông hãy niệm Phật. Nếu trong hoàn cảnh bình thường chưa chắc con đã nhớ lời vợ nhưng vào trong trại giam rồi thì mọi thứ nó hiện ra rõ ràng lắm. Sau những lúc lao động cải tạo, con về phòng giam với tâm trạng cô đơn thui thủi. Lúc này không còn men rượu để xúi giục nữa nên mọi suy nghĩ của con đều là động lực hối cải chân thật. Nhớ lại lời vợ con cũng niệm Phật. Không có chút ý niệm về lợi ích của Phật pháp, chỉ là nỗi nhớ nhung và sự ăn năn khiến con muốn làm chút gì đó cho vợ con vui mà thôi. Nhưng thật kỳ lạ, mọi thứ dường như dễ chịu hơn kể từ khi con ê a niệm Phật. Công việc con làm không còn quá nặng nhọc khổ sở như lúc trước vì được chuyển qua khâu khác, có phần tự do thoải mái hơn một chút. Con cũng nhận thấy hình như đầu óc mình nhẹ nhàng hơn mà không biết vì sao. Sau đó con được trả tự do trước thời hạn vì chấp hành kỷ luật và cải tạo tốt. Ra khỏi trại rồi thì vợ con quay về đoàn tụ. Con bắt đầu tìm hiểu về Phật giáo và khi nhận ra mình quả thật còn chút duyên lành trong quá trình tạo tác nên giờ mới có cơ hội học Phật. Lúc con niệm Phật chỉ là một quán tính làm theo lời vợ không chút hiểu biết, nhưng cũng vì sự vô tâm đó mà thành ra nghiệp quả ít nhiều có biến chuyển. Nhưng sau mười mấy năm làm thiện làm phước và niệm Phật hình như cái cảm giác thư thái trong con cũng chẳng tiến triển là mấy. Con hoàn toàn không tìm lại được sự an lạc ngày xưa ở trại giam, dù lao động khổ sai nhưng tâm trí rất vui vẻ. - Bác nói cũng đúng đấy. Lúc trước dù không biết gì nhưng bác vẫn làm theo không chút bận tâm hay mảy may tính toán về công đức phước báu, nên mọi thứ đến một cách tự nhiên và trọn vẹn. Nói thì có vẻ buồn nhưng người ta sau khi có niềm tin và chút kiến thức về phương pháp mà mình hành trì thì mọi thứ không như lúc đầu nữa. Đó là lý do tại sao đức Phật nói nếu ai cũng giữ được cái tâm ban đầu thì sự thành tựu là rất có khả quan. Tâm con người ta luôn là như vậy, phân biệt, dính mắc và chấp trước. Lúc đầu vì không hiểu biết nhiều nhưng làm với sự vô tâm không dính mắc nên quả tốt gần như trọn vẹn. Hiểu thêm một chút thì làm cái gì cũng tính toán chấp nhặt. Chính sự toan tính đó làm tâm người ta không còn vô tư như lúc ban đầu nữa. Cẩn trọng thân khẩu ý và dè chừng nhân quả tội phước là tốt nhưng cũng không nên thái quá. Nếu người ta bị suy nghĩ phước báu công đức vây lấy thì họ làm gì cũng chỉ nghĩ cho bản thân mình mà quên mất người khác. Ví như được tặng một món đồ yêu thích họ cũng muốn nhận nhưng sợ hết phước, tổn phước nên đẩy cho người khác. Trong Phật giáo không có ranh giới rõ ràng giữa chuyện đúng sai. Tất cả đều do tâm ý mình quyết định. Hành động dù có vẻ hoàn hảo trước mắt mọi người nhưng không nói lên được cốt lõi của việc hành Pháp. Cái chính yếu nằm ở chỗ mục đích của việc làm, và mục đích này do tâm chủ đạo, tâm điều khiển. Vì người ta rất khó để tâm mình bình thường với mọi thứ nên họ không được an lạc thoải mái. Tu tập lâu dần nếu không để ý những điều nhỏ nhặt này thì uổng lắm bác. Nhiều người thậm chí chẳng còn mặn mà mấy với Phật pháp cũng vì vậy. Khi họ nghĩ mình hành trì lâu như vậy mà vẫn khổ sở mệt mỏi thì tự dưng đâm nản và muốn quay về với cuộc sống ban đầu. Việc hành trì với người tại gia đã rất khó khăn rồi, nếu chỉ vì những điều như vậy mà bỏ cuộc thì thiệt là uổng đó bác. Lão Sáu giật mình. Những việc lành việc thiện của lão lúc đầu là vì mọi người nhưng lâu dần lại trở thành công cụ tạo phước của lão. Người ta vẫn vô tư tán dương và lão vẫn hả hê đón nhận để rồi mỗi ngày lại bận rộn nhắc nhở con cái gửi tiền để lão làm thiện, rồi lại chờ người ta xuýt xoa khen mình phước huệ song tu. Lão ngồi im chẳng nói gì, thầy cũng không nói thêm chỉ lặng lẽ châm trà. Phật pháp nhiệm mầu thật nhưng cái tâm buông xả mới là chất liệu duy trì sự mầu nhiệm đó. Thật là may mắn khi có thầy. Lão chỉ là một trong số những chúng sanh mê muội được thầy nhắc nhở. Vấn đề không nằm ở chỗ to hay nhỏ mà là tỉnh hay mê. Lời thầy nhắc cũng không phải vấn đề to tát nhưng những si mê ấy đủ sức biến lão thành nô lệ của dục vọng nếu nó được nuôi dưỡng thêm. Vậy mới biết đường tu tưởng chừng đơn giản nhưng không phải vậy. Người ta lúc tỉnh lúc mê, chẳng mấy khi giữ tâm mình được tỉnh táo và sáng suốt. Nếu không có thầy có bạn nhắc nhở cảnh tỉnh chắc đường về của lão còn xa và mịt mờ lắm.
CHÚT TRẢI LÒNG VỀ “HÀNH TRÌNH ĐẾN CHÁNH NIỆM...”
Vừa đọc xong cuốn tự truyện của một nhà sư Tích Lan, sư Gunaratana. Cũng như dịch giả Diệu Lý Thu Linh, ấn tượng ban đầu của tôi không phải là tựa đề cuốn sách hay một cái gì đó hấp dẫn từ phía design, mà là một nụ cười rất đỗi từ bi và một cặp mắt sáng của tác giả cuốn tự truyện. Có cái gì đó thu hút và tôi biết mình phải đọc nó không chờ đợi. Khép cuốn sách lại cũng là lúc hình ảnh một vị thầy hiền hậu bao dung, một bát ba y, đầu trần chân đất đã kết thúc những tháng ngày cơ cực vất vả để làm cho tròn sứ mệnh của một người con Phật: ban rải lời Phật dạy đến mọi chúng sanh đang đau khổ. Những giọt nước mắt tôi cũng rơi chan hòa theo những lúc sư không thể kiềm lòng mình vào những khi xúc động nhất. Nhưng lắng lại trong tâm tôi nhiều nhất là hình ảnh sư về quỳ bên vị thầy của mình để dâng lên ngài chiếc mâm bạc trong buổi lễ nhậm chức Trưởng Lão tông phái Siyam Nikaya. Nó làm tôi nhớ lại bức hình của một vị sư khác, người Thái, sư Luangta Maha Buwa, một người cũng thuộc hàng cao tăng của Phật giáo Thái Lan, đã về quỳ bên cạnh thầy mình là hòa thượng Ajahn Mun khi cả hai đã về già. Có thể trên cuộc đời này không thiếu những hình ảnh như vậy nhưng với một tu sĩ, đặc biệt là tu sĩ nam tông, nó ấn tượng với tôi sâu đậm hơn. Tôi không hàm ý so sánh bắc nam gì cả, chỉ là những hình ảnh mà từ hồi còn lẫm đẫm biết đi của tôi cho đến lúc hết tiểu học về Phật giáo không phải là những vị thầy áo nâu, mà là hình ảnh đức Phật và tăng đoàn của ngài được minh họa qua 36 bức tranh về cuộc đời đức Phật Thích Ca Mâu Ni treo ở nhà tôi đã lâu lắm rồi. Nó bị cháy mất khi tôi gần tốt nghiệp tiểu học, nhưng những gì in trên đó vẫn theo tôi cho đến bây giờ. Tôi thích lắm hình ảnh một vị tu sĩ áo vàng, đầu trần chân đất thong dong trên mọi nẻo đường để gieo duyên với chúng sanh và giữ gìn một đời sống phạm hạnh trong sạch. Những gì tôi tiếp xúc sau này phần lớn là hình ảnh và giáo lý đại thừa, và trong thâm tâm tôi vẫn biết ơn vì những điều tôi được học hỏi cho đến hôm nay là nhờ sự uyển chuyển của Phật giáo phát triển. Nhưng dù sao thì tôi vẫn ưu ái sự thiện cảm của mình cho những vị khất sĩ áo vàng hơn vậy. Đừng phán xét một điều gì thuộc về cảm xúc bởi dấu ấn, vì nó không có đúng sai, cũng không nói lên một sự chống đối và đả kích nào. Tất cả chỉ như một vị thầy đầu tiên đưa ta vào đạo, bất luận nó tốt hay xấu bạn đều nhớ rất lâu, có điều ta dành cho nó nhiều sự ưu ái nếu ta thật sự thích và ngược lại sẽ là những thành kiến nặng nề nếu ta thấy tổn thương vì nó dù bất cứ lý do gì. Tất cả đều là chấp niệm nhưng cũng thật ý nghĩa khi nó được nuôi dưỡng và tạo thành động cơ cho con đường và quyết định của ta sau này. Tự truyện của sư Gunaratana đã trình bày hết sức chân thật về hành trình tìm đến chánh niệm và an lạc của một nhà sư nam tông. Nó chân thật không giấu giếm từ những sai lầm nhỏ nhặt. Nó không mang một chút mầu nhiệm nào ngoài sự nỗ lực trong vai trò của một người tu hành chân chánh. Nó có vẻ hơi dài dòng nhưng tuyệt nhiên không hề nhàm chán vì những gì được mô tả là cả một chặng đường dài của trải nghiệm và tu tập, giờ được phơi ra để làm động lực cho những hành giả sau này. Cuộc đời hoằng pháp và tu tập của sư dường như thức tỉnh tôi rất nhiều điều. Tôi chỉ là một cư sĩ nhỏ nhoi và tôi biết trong cái hình tướng này mình chẳng thể làm gì nhiều cho Phật giáo, chỉ là bản thân tôi được an lạc, tự tại đôi chút (cũng coi như tạm ổn vì như vậy thì quý thầy quý sư cô cũng đỡ nhọc lòng vì một chúng sanh như tôi), nhưng thật sự tôi rất coi trọng những gì là điều nên làm đối với một người con Phật, một người phát nguyện sẽ làm theo lời dạy của Ngài cho đến ngày giải thoát: giữ giới và giữ chánh niệm. Bản thân tôi chưa làm được cả hai nhưng vì ý thức nó quan trọng nên tôi rất hoan hỉ khi nghe một ai đó đã và đang thực hành nó một cách trọn vẹn. Đây là một lý do nữa để tôi kính phục sư Gunaratana. Là một người tu hành sư biết việc giữ giới và giữ chánh niệm cũng như lúc buông lung phóng túng sẽ đem lại hậu quả như thế nào nên sư luôn cẩn thận trên mỗi bước đường tu tập. Sẽ chẳng có gì đáng nhớ nếu người ta mô tả cuộc đời sư như một cuốn tiểu thuyết hay thần thoại hóa về một bậc thánh. Sư cũng mắc rất nhiều sai lầm và phàm phu cực độ như bất kỳ một chúng sanh nào, nhưng sau tất cả sư luôn nhận ra và dặn lòng mình phải quán chiếu để thay đổi vì nó không đúng với cách cư xử của một người tu. Khi đối diện với sắc dục sư không quá cố để tỏ ra mình tu hành giỏi giang, mà chỉ là những biểu cảm rất tự nhiên chân thật, phát xuất từ một cái tâm không nặng về ô trược: giận dữ và xấu hổ khi thấy một nữ nhân khỏa thân trên giường mình. Trong thâm tâm sư cũng chưa bao giờ cho rằng mình là một người tu thanh tịnh, đoạn tuyệt hẳn với sắc dục và coi nữ nhân là những kẻ xấu xa. Sư chỉ nhẹ nhàng nói lên suy nghĩ của mình bằng cách trích dẫn lời Phật dạy. Là một người con Phật sẽ không còn gì đúng hơn là luôn ghi nhớ những lời dạy của Ngài và áp dụng nó vào những khi cần thiết để bảo vệ bản thân cũng như hình ảnh đại diện của tăng đoàn, của những giá trị đạo đức. Xin trích dẫn nguyên văn cả lời Phật dạy lẫn những chia sẻ của sư về việc giữ giới. Nó có thể không mới nhưng nhắc lại để nhớ thêm là việc không bao giờ thừa thãi: …Tôi tránh đụng chạm phụ nữ không phải vì tôi nghĩ họ là những sinh vật gớm ghê, xấu xa. Trái lại, phụ nữ là những sinh vật đẹp nhất trên thế giới. Và đó mới chính là vấn đề. Có một câu chuyện về đức Phật đã giải thích điều đó rất rõ ràng. Có lần khi thị giả của đức Phật là ngài Ananda hỏi Phật, “Bạch Thế tôn, người tu sĩ chúng ta phải đối xử thế nào đối với phụ nữ?” “Đừng nhìn họ,” là câu Phật trả lời. “Nhưng đôi khi chúng ta không thể tránh nhìn họ,” Ananda nói. “Rồi ta phải làm sao?” “Đừng nói chuyện với họ.” “Nếu hoàn cảnh bắt buộc ta phải tiếp chuyện với họ thì làm sao, bạch Thế Tôn?” ngài Ananda tiếp tục hỏi. “Chỉ nói vắn tắt, một cách đầy chánh niệm,” đức Phật trả lời. Đức Phật là một người nam, một người đàn ông bằng xương thịt. Ngài hiểu rất rõ rằng không có hình ảnh nào có thể chiếm ngự tâm người đàn ông bằng hình ảnh của một người phụ nữ. Không có lời nói nào, không có hương nào, không có vị nào. Không có sự tưởng tượng nào có thể chiếm ngự tâm của người đàn ông giống như là ý nghĩ về một phụ nữ, họ không còn có thể nghĩ đến thứ gì khác. Khi người nữ nhìn một người nam họ thích cũng giống như thế. Đó là lý do tại sao đức Phật đã đề ra những giới luật khắt khe cho cả tăng và ni. Một tăng sĩ không được đụng chạm đến phụ nữ và nữ tu sĩ cũng không được đụng chạm đến người nam. Khi họ xuất gia, giới luật của người tu sĩ Phật giáo Nguyên thủy là phải nguyện sống đời độc thân. Lời nguyện đó khá khó giữ, nhưng nếu bạn bắt đầu đụng chạm đến người khác giới, thì gần như không thể nào giữ được. Một cái ôm hay một nụ hôn nhẹ cũng có thể đánh thức lòng ham muốn, sự quyến luyến. Mà đó chính là những điều mà chúng tôi cố gắng chế ngự khi chúng tôi đã chọn đi theo con đường của Phật. Các giới luật này nhằm bảo vệ hơn là hạn chế chúng ta. Chúng bảo vệ chúng ta bằng cách loại bỏ nhiều hoạt động khiến chúng ta xao lãng việc tu thiền một cách nghiêm chỉnh… Thực sự để vượt qua bể ái dục là một điều không hề đơn giản. Trong tất cả các dục, ái dục là một cái bẫy ngọt ngào và có sức hút mãnh liệt nhất. Có thể ngài chưa hoàn toàn gột bỏ được các cội rễ trói buộc khác nhưng có hề gì, chiến thắng được dục vọng mới là điều vinh dự nhất. Nó là cửa đưa người ta vào thánh đạo. Nếu bề ngoài điềm đạm thanh cao nhưng bên trong lại nuôi dưỡng ý niệm phá giới thì phỏng có ích gì vì khi điều kiện được hội tụ, họ sẽ phạm sai lầm như một điều tất yếu. Vì vậy tôi kính phục sư là ở chỗ không hằng ngày trữ dưỡng cái ý niệm ấy để đến khi đối diện với cám dỗ cũng không để bản thân vướng sai lầm. Có thể ai đó sẽ thắc mắc rằng làm sao tôi biết được ngài có nuôi dưỡng hay không ý niệm ấy, tôi làm sao mà đọc được ý niệm của ngài, chỉ là hành động của ngài đã nói lên tất cả. Không một sự gượng gạo che đậy nào mà lại có thể bộc lộ được cái thái độ của ngài khi ấy. Vì vậy cho dù một vị tu sĩ chưa làm gì được nhiều cho chúng sanh mà có thể chân chính giữ giới cả một đời, không để mình phạm giới dù trong ý niệm thì đã là một bậc đáng tôn kính lắm rồi. Kinh Tứ Thập Nhị Chương nói dục vốn là một loại năng lượng tự hữu, và mạnh như một bản năng vì vậy chiến thắng ham muốn và đi ngược lại với cái bản năng sâu nhất ấy thì họ sẽ nhanh chóng đi vào con đường trí tuệ và rồi sẽ gột bỏ những trói buộc kia một cách nhẹ nhàng. Sau quá trình giữ giới nghiêm chỉnh là một cái tâm chánh niệm để kiểm soát sự ngã mạn sẽ khởi lên bất cứ lúc nào. Điều này thật khó khăn vì nó rất vi tế, và thường khởi lên vào những lúc người ta cao hứng nhất. Sư luôn luôn tỉnh thức để nhắc nhở mình trước những lời tán tụng và đóng góp cho sự phát triển của Phật giáo. Nó có thể không là một trở ngại gì lớn lao nếu người ta cao hứng vui một chút nhưng sẽ là một cái bẫy đằng sau đó nếu người ta dần chấp nhận và coi nó như một điều hiển nhiên mình đáng được có sau tất cả những nỗ lực. Sư vẫn luôn thận trọng như vậy. Chỉ khi người ta biết tâm của mình đang ở đâu, sẽ khởi lên điều gì và chuyện gì sẽ xảy ra sau đó người ta mới tỉnh táo dừng lại, tách mình ra khỏi vướng mắc và những cám dỗ của danh vọng và tự ngã. Ngay cả khi được đề bạt chức trưởng lão của một tông phái sư cũng từ chối đến ba lần, đến lần thứ tư mới suy nghĩ lại. Sau đó ngài nói về việc này như sau: …Tuy nhiên tự hào là một việc nguy hiểm. Đó là một sự bám víu mạnh mẽ và khó chế ngự. Để chiến thắng nó, tôi luôn nhắc nhở mình rằng trong suốt những năm qua, tôi chỉ cố gắng sống theo Pháp và giảng Pháp cho người khác, càng nhiều càng tốt. Vì thế, thật ra không có gì để tôi phải tự mãn… Hành động từ chối của sư làm tôi nhớ đến đức Phật ngày xưa, đức Phật cũng thường im lặng hoặc từ chối khi các đệ tử hay tín chúng thưa thỉnh Ngài một việc gì đó. Ngày trước tôi không rõ lắm về hành động này của Phật và có khi còn cho rằng Phật hơi quá. Dẫu biết một bậc toàn trí như Ngài thì làm sao có thể rảnh rang làm những việc dư thừa không mục đích, có điều tôi chưa biết vì lý do gì nên mới khởi tâm như vậy. Hành động từ chối của đức Phật và sư Gunaratana có thể không giống nhau về mục đích nhưng thông điệp truyền tải thì có lẽ không khác. Nếu đức Phật muốn người thưa thỉnh phải thể hiện được cái tâm chân thành tha thiết cầu pháp và ý thức được tầm quan trọng của nó rồi mới chấp nhận, thì ngài Gunaratana lại thể hiện một cái tâm không quá vướng bận với danh vọng và luôn đề phòng cái bản ngã nguy hiểm của mình nên từ chối. Cũng có thể đức Phật thông qua hình ảnh đó để nhắc nhở chúng ta làm việc gì cũng phải cân nhắc, đừng vì bất kỳ một nhu cầu cá nhân nào mà hấp tấp hỏng chuyện, và trên hết hãy coi chừng những tư tưởng của mình. Tôi không chắc suy nghĩ mình có đúng với mục đích của các Ngài hay không nhưng cũng không quan trọng. Mỗi người khi chiêm nghiệm một điều gì cũng đều có những trải nghiệm riêng tùy theo nhận thức và nghiệp lực của họ, chỉ cần không quá sai lệch khỏi các nguyên tắc đạo đức và có ích cho việc sửa đổi bản thân là được rồi. Cái hiểu của mỗi người căn bản đã không giống nhau khi ta nhìn nhận một đối tượng qua nhiều lần khác nhau, thì làm sao có sự đúc khuôn giữa những chủ thể khác nhau cho cùng một hiện tượng được. Một ấn tượng khác về sư trong tập tự truyện này là một tấm lòng từ bi bao dung và sự nỗ lực không ngừng nghỉ cho con đường mình đã chọn. Cả một đời sư đã dành hết cho việc học hành và gieo rắc Phật pháp đến những nơi mình có thể. Giờ đây ở thế kỷ thứ tám của cuộc đời, sư biết cơ thể mình cần được nghỉ ngơi, và phục hồi sức lực cho sứ mệnh này trong những kiếp kế tiếp. “Năm nay tôi đón sinh nhật thứ bảy mươi lăm của mình. Khi nhìn lại quãng đời mình đã trải qua, tôi bàng hoàng. Bảy mươi năm trước, tôi là một cậu bé đi chân không, sống trong một ngôi làng rậm rạp cây, trên một hòn đảo ở Ấn Độ Dương. Cậu bé đó thường ngồi vẽ tranh dưới cát bằng một que cây. Hôm nay tôi là một tu sĩ có trình độ học vấn sau tiến sĩ, với hàng ngàn dặm đường bay đã được tích lũy và một chiếc máy vi tính xách tay G4 loại mạnh, xếp trong hành lý xách tay của mình. Tôi có bạn bè và đệ tử ở khắp nơi trên thế giới và lục địa duy nhất mà tôi chưa đến là vùng Nam Cực. Quyển sách đầu tiên của tôi, Chánh Niệm Cơ Bản (Mindfulness In Plain English), đã được dịch sang tiếng Trung Hoa, Đại Hàn, Tây Ban Nha, Ý, Đức và Pháp. (ND: Sư Gunaratana chưa biết là quyển sách ấy đã được dịch sang cả tiếng Việt Nam, tựa là Chánh Niệm - Thực Tập Thiền Quán, dịch giả Nguyễn Duy Nhiên). Tôi nói điều này không phải để khoe khoang, nhưng để chứng minh rằng người ta có thể đạt đến những mục tiêu cao xa, khi họ được trang bị với lòng quyết tâm và nghiệp lành. Và tôi thực sự tin rằng rất nhiều cuộc hành trình và nhiều sự thành tựu của tôi có được là do nghiệp quả từ nhiều đời trước của tôi. Nhưng tôi cũng luôn tự thôi thúc để hoàn thiện mình hơn. Nhìn lại cuộc đời mình, tôi cảm thấy giống như, lúc đầu tôi là một người đi đứng khó khăn. Rồi người này cố gắng một cách chậm rãi, khốn khổ để bước vài bước tới. Dần dần khi đã vững vàng hơn trên đôi chân, anh ngước nhìn lên và thấy một ngọn đồi cao ba, bốn chục mét trước mặt. Vì thế anh cố trèo lên. Rồi anh ta lại thấy một ngọn đồi khác cao hơn chút nữa, sáu chục mét. Anh cũng đã trèo lên ngọn đồi đó nữa. Còn nhiều ngọn đồi nữa tiếp theo sau. Mỗi ngọn lại cao hơn ngọn trước đó, và anh tiếp tục leo lên tất cả, từng cái một. Dần dần anh thấy ngọn núi cao nhất chưa từng thấy trước đó -vĩ đại, hùng vĩ. Anh hít thở thật sâu vào, đặt chân này trước chân kia, rồi lần bước tới. Khi đến trên đỉnh núi, anh nhìn quanh và thấy những đỉnh núi khác nữa. Cuối cùng, anh nhận ra rằng, mình đã không còn sức để tiếp tục trèo lên nữa. Giờ khi đã đạt đến thế kỷ thứ tám của mình, tôi nghĩ rằng tôi sẽ nghỉ ngơi chút đỉnh. Tôi có thể đợi đến kiếp sau để trèo lên những ngọn núi còn lại. Dĩ nhiên, tôi vẫn còn phải vượt qua ngọn núi cao nhất. Tất cả những gì tôi đã vượt qua đều không đáng kể, so với ngọn núi ở phía trước mặt, đỉnh núi vô cùng tận -sự giác ngộ viên mãn, toàn diện, siêu việt. Còn trong lúc này đây, cuộc sống vẫn còn đầy thử thách. Một trong những bổn phận của tôi là phải giữ giới luật của một người tu khi còn sống trong thế giới phàm tục.” Những lời tự sự vô cùng khiêm nhường và chân thật khiến tôi muôn phần kính phục. Người ta thường hay so sánh tạo sự phân biệt giữa những vị tu theo Phật giáo truyền thống và những vị theo Phật giáo phát triển. Thật chẳng hay ho gì khi lấy một vài ưu hay khuyết điểm của một tông phái ra làm mục tiêu so sánh. Phật giáo phát triển có thể rất năng động và làm được nhiều lợi lạc cho chúng sanh hơn nhưng điều đó không có nghĩa là bên nguyên thủy họ không làm được điều đó và thiếu hẳn lòng từ bi. Thật không hay chút nào nếu một ông thầy đại thừa cho rằng phát triển bao giờ cũng tốt hơn nguyên thủy. Các vị nguyên thủy có thể không khéo trong việc làm đạo và ban rải Phật pháp nên số lượng còn hạn chế nhưng bù lại thì vị nào làm đều làm nó một cách trọn vẹn và đẹp đẽ. Nếu chúng ta làm mọi việc vì chúng sinh với một cái tâm không cao ngạo vướng mắc thì mọi thứ sẽ tốt đẹp biết bao. Và những sự so sánh phân biệt sẽ thôi không còn nữa. Trong cõi ta bà này vẫn còn rất nhiều lắm những bậc tu hành chân thật và phát nguyện sẽ cùng chúng sanh tiếp bước cho đến ngày giác ngộ như sư Gunaratana, chỉ là tôi biết mình chưa đủ phước phần để được gặp, được nghe, được biết về các ngài. Sự hiện diện của các ngài trên cuộc đời này như một động lực lớn để tiếp sức cho một đứa “tâm muốn tu mà thân lười biếng và ưa ngụy biện” như tôi. Thật sự như lời Phật dạy: chánh niệm, giữ giới và tinh tấn là nơi an trú tốt nhất để chúng ta tìm thấy sự an lạc trên bước đường tu tập. Nếu thật sự đã có niềm tin vào chánh pháp của Đức Bổn Sư thì chúng ta nên dành thời gian để chiêm nghiệm và nỗ lực để gột rửa nội tâm, đừng rao giảng mãi những triết lý về giá trị đạo đức trong khi bản thân lại tùy tiện phóng túng ra khỏi vòng giới luật. Nếu lòng từ bi trong mỗi người chưa đủ để bản thân cảm thấy nhẹ nhàng an lạc thì lấy đâu ra mà san sẻ cho chúng sanh?