Ấn phẩm chùa Hoằng Pháp

Ngày mới của tâm

Tác giả: Chùa Hoằng Pháp
Mục lục
Lời tựa
Khoảnh khắc nào là quan trọng nhất trong cuộc đời mỗi chúng ta? Phải chăng đó là khoảnh khắc ta nhận ra chân lý, quyết định một sự thay đổi lớn lao nào đó và kể từ ấy cuộc sống có nhiều biến chuyển tốt hơn? Là ngày tâm không còn đau khổ, vướng mắc, dằn vặt bởi quá khứ. Một ngày tâm có thể rũ bỏ mọi muộn phiền, lo âu, bi quan về tương lai và số phận để sống những ngày mới an nhiên. Người ta thường nói, đời người không quan trọng dài hay ngắn mà là giác ngộ sớm hay muộn. Thế nhưng, khoảnh khắc giác ngộ đến với mỗi người lại không giống nhau. Vì thiện duyên từ kiếp trước mà có người chỉ cần đọc một cuốn sách, xem một bộ phim, hoặc gặp gỡ một người nào đó… nhưng có những người phải mất hơn nửa cuộc đời chìm nổi trong đau khổ, bệnh tật, đến khi gặp nghịch cảnh trái ngang, có lúc phải cận kề cái chết mới có được nhân duyên giác ngộ. Đó chính là câu chuyện của những nhân vật có thật trong tập sách này. Họ thuộc nhiều tầng lớp trong xã hội, từ người trí thức, doanh nhân, nghệ sĩ cho đến những người dân bình thường lam lũ… Tất cả đều tìm được nguồn cảm hứng và sự khuây khỏa nơi giáo lý của đức Phật. Sự nhiệm mầu của Phật pháp không nằm ở sự cứu rỗi về vật chất, mà sự nhiệm mầu ấy là sự cứu rỗi về tinh thần, giúp ta nhận ra con đường hướng thiện, tìm ra nguyên nhân của khổ và con đường diệt khổ. Từ sự thay đổi nơi tâm thức mà dẫn đến những thay đổi nơi hoàn cảnh sống của mỗi người. Chúng tôi gọi đó là Ngày Mới Của Tâm. Đức Phật dạy, cuộc đời vô thường, có lẽ không dài được 60 năm như ta vẫn nghĩ. Trong những khoảnh khắc vô thường ấy, sự sống có thể kết thúc bất cứ lúc nào. Vậy khi ấy chúng ta có sẵn sàng mỉm cười không hối tiếc vì đã sống một cuộc đời tỉnh thức trong chánh pháp?
Hồi sinh mảnh vườn tâm
Tôi chưa từng dám nghĩ rằng, trong cuộc đời mình cũng có lúc tôi ngồi đây và chia sẻ với mọi người về sự nhiệm mầu của Phật pháp. Bởi trước đây tôi hoàn toàn không tin Phật, và giả như lúc ấy Phật có đứng trước mặt thì tôi vẫn không tin. Dù rằng mẹ tôi là một cư sĩ tại gia, vẫn thường tụng kinh ở nhà và mỗi tháng hai lần đến chùa thọ Bát Quan Trai. Mẹ thường hay lấy cớ nhờ tôi chở đi chùa để tôi có cơ hội gieo duyên với Phật pháp, nhưng tôi chỉ đưa mẹ tới cổng, không bao giờ bước chân vào chùa cùng mẹ. Nhiều lúc mẹ và những đạo hữu của bà thường gọi tôi vào lễ Phật và xá chào quý thầy nhưng tôi một mực từ chối, cứ ung dung cho xe chạy về nhà. Một khi trong lòng đã không tin thì dù ai nói gì cũng vậy, dù mẹ có khuyên răn hay tìm cách khuyến hóa bao nhiêu thì tôi cũng nhất định không nghe. Tôi còn nghĩ, tại sao mình phải lạy những tượng đá vô tri vô giác đó; mấy thầy cũng là người giống mình thôi mà tại sao phải xá chào. Tôi không nghe, nhưng cũng không cản mẹ đi chùa vì nghĩ rằng đi chùa là chuyện của mấy cụ già đi tìm niềm vui và sự an nhàn. Nhưng riêng với hai đứa con, tôi nhất quyết không đồng ý cho chúng theo mẹ và chị đi chùa, tụng kinh, ăn chay. Tôi la rầy chúng và cấm không cho ăn chay. Tôi không hề biết mình làm như vậy là đã đoạn tuyệt nhân lành với Phật pháp của các con. Có một sự việc mà cho đến bây giờ nghĩ lại trong lòng tôi vẫn còn hối hận rất nhiều. Chuyện là khi anh chị và mẹ xảy ra chuyện xào xáo, bất hòa, nhưng sau đó anh chị cũng đã hối hận và biết đi chùa Quy y Tam Bảo và thầy có đến nhà để giúp anh chị và mẹ hàn gắn tình thân. Nhưng tôi lại cảm thấy không bằng lòng về việc này. Tôi cho rằng thầy “rảnh rỗi”, thầy “dư hơi”, tôi thấy phiền vì phải tiếp đãi nước nôi. Sau này ngẫm lại tôi mới thấy, thực ra thầy đã làm một điều rất tuyệt vời, vì chính thầy đã giúp gia đình tôi được sống vui vẻ, hạnh phúc đến tận bây giờ. Khi vô minh, ta cứ nghĩ rằng mình hay, mình đúng, mà không hề hay biết mình đang gây ra rất nhiều tội nghiệp. Bản thân tôi cũng vậy! Tôi là một chủ doanh nghiệp nhưng mỗi khi bạn bè gọi điện rủ đi từ thiện, cứu trợ chỗ này chỗ nọ tôi đều gạt đi, vì luôn nghĩ đó là những chuyện vô bổ, không có ích lợi gì, chuyện mình lo chưa xong mà hơi đâu lo chuyện thiên hạ. Thế nên, tôi chỉ tập trung vào những việc mang lại lợi ích thiết thực cho cá nhân, cho công ty mà thôi. Việc đầu tiên phải kể đến là việc tiếp đãi đối tác để ký kết hợp đồng. Hầu như những công việc này đều chỉ diễn ra trên bàn nhậu. Bản thân tôi tuy là phụ nữ nhưng cũng không ngoại lệ. Không những thế, vì muốn cho công ty của mình ngày một phát triển, tôi đứng ra tổ chức những cuộc giao dịch, triển lãm, hội chợ và hội thảo ở vùng sâu vùng xa. Càng đi nhiều tôi lại càng nhậu nhiều, mặc dù điều này đối với một phụ nữ Á Đông có vẻ không phù hợp cho lắm! Tại các cuộc ăn nhậu, những đối tác thường hẹn đến nhà hàng lớn. Ở đó, chúng tôi mặc sức ăn nhậu những món đặc sản trên đời. Tôi không hề biết rằng chính những thú vui ăn uống ấy lại đẩy tôi vào nghiệp sát sinh. Trong những cuộc vui trên bàn nhậu, tôi cao hứng bưng rổ tôm sống đổ vào nồi nước đang sôi, mặc cho chúng vùng vẫy, giãy giụa... rồi cứ thế lấy nắp đậy lại, xong thỉnh thoảng mở ra dìm chúng xuống. Lúc đó, tôi lấy làm thích thú vì những việc như vậy lắm! Rồi có những lần, tôi cùng đối tác đi đến các nhà hàng hải sản tươi sống. Tại đó, khi chúng tôi chỉ tay vào con cá nào thì lập tức nó sẽ được đem đi chế biến thành món ăn phục vụ chúng tôi. Những người đầu bếp cũng rất biết cách để thỏa mãn thú vui ăn uống cho thực khách. Ví dụ như chế biến món cá thì anh đầu bếp phải làm sao để khi cá được bưng lên bàn nhậu phải còn trong trạng thái nửa sống nửa chín, hai cái mang nó vẫn còn phập phồng thở, còn hai mắt nó vẫn thô lố nhìn. Người ta cho rằng ăn vậy mới ngon. Sau này nghĩ lại, tôi mới thấy sợ, sợ cái cách thức con người thỏa mãn thú vui ăn uống của mình. Một số người nào đó muốn phải ăn con vật khi nó còn đang nửa sống, nửa chín - lúc mà chúng còn đang cảm nhận được sự đau đớn, sợ hãi và bất lực. Như vậy đúng là con người chúng ta đang ỷ mạnh hiếp yếu, tôi ỷ vào sức mạnh của mình, tôi dùng hết lực đè những con tôm xuống nước sôi, và rồi bản năng sống khiến chúng vừa giận dữ vừa hoảng sợ, vùng vẫy nhưng đành bất lực vì chúng quá yếu ớt. Phải chăng đó chính là cách ăn tàn nhẫn nhất của con người? Không thể khẳng định được điều này, song tôi nghiệm ra rằng, cho đến tận giờ tôi vẫn ám ảnh khi nghĩ tới những cuộc vui ăn uống của mình. Sau này, đọc lại trong kinh Pháp Cú, tôi mới biết đức Phật cũng đã dạy: “Ai ai cũng sợ gươm đao, ai ai cũng sợ chết, vậy chớ giết và chớ khiến người giết”. Ấy vậy mà tôi đã có một thời vô minh như thế! Đó mới chỉ là việc ăn, còn việc nhậu và hút thì tôi cũng không thua kém gì đàn ông. Khi vào nhà hàng, các khách hàng luôn yêu cầu những loại rượu đắt tiền nhất. Rồi cứ như thế chúng tôi chúc tụng nhau hết ly này đến ly khác, hết chai này đến chai khác. Đến khi bản thân uống không nổi thì tôi vẫn hô to chúc mừng, xong rồi đổ hết xuống đất. Mãi cho đến sau này, tôi mới nhận ra việc làm này quả thật hết sức hoang phí. Chúng tôi hoang phí thức ăn và cả những đồ uống đắt tiền; ăn không hết thì bỏ, uống không hết thì đổ. Trong khi rất nhiều người không có miếng ngon để ăn, không có tiền để sắm một manh áo ấm… Rồi đến việc hút, khách hàng đa phần là đàn ông, mà làm ăn với người ta lẽ nào họ mời hút thuốc tôi lại từ chối. Thế là tôi cũng làm bộ, mở bao thuốc ra để lên miệng rồi châm lửa hút. Ban đầu tôi cũng thấy hơi choáng và khó chịu nhưng dần rồi cũng quen. Nên thành thử từ đó về sau dù không đi nhậu thì mỗi ngày tôi vẫn có thể hút hết một bao thuốc, mà hút một cách rất sành điệu nữa là đằng khác! Thế rồi, nhân duyên của tôi đối với Phật pháp cũng rất nhẹ nhàng như cơn mưa dầm thấm đất vậy. Năm đó, vì công việc làm ăn của công ty có nhiều tiến triển nên tôi lên Hóc Môn để mua một miếng đất mở phân xưởng nước uống đóng chai. Vào thời điểm ấy, dân cư còn thưa thớt, đường sá chưa mở rộng như bây giờ. Cũng vì phải chăm lo công việc ở phân xưởng nên có những lúc tôi phải ở lại. Có những buổi chiều một mình đứng trên sân thượng nhìn cảnh trời mây u tịch, không một bóng người qua lại, vào đêm lại thêm những tiếng ếch nhái kêu rần trời, lúc đó tự nhiên tôi thấy buồn vô cùng. Tôi thấy mình cũng lạ thật, xưa nay đi Đông đi Tây, làm ăn bốn phương chưa khi nào thấy buồn mà tự nhiên hôm đó lại thấy lòng mình chùng lại! Tôi có cảm giác nhớ cha mẹ và những người thân. Tôi thấy một sự cô đơn, trống trải dâng đầy trong lòng. Tôi nhớ lời mẹ dặn trước khi lên lập phân xưởng: “Hóc Môn không xa nhà mình là bao, nhưng dù sao cũng là nơi xa lạ con chưa từng sinh sống. Con lên đó một mình không người thân cận thì con phải lập nơi thờ cúng ông bà và thờ Phật”. Rồi tôi lân la dò hỏi và được người ta chỉ đến một ngôi chùa nhỏ nằm trong một con hẻm. Và lần đầu tiên trong đời tôi biết chắp tay bạch thầy. Tôi trình bày những điều mình đã trải qua và thầy hứa sẽ tới giúp. Tôi thỉnh hình mẹ Quan Thế Âm về thờ và đó cũng là một nhân duyên để tôi từng bước đến với Phật pháp. Từ chỗ hay tới lui chùa chiền, quý thầy cũng dần biết đến tôi, nên mỗi khi chùa có lễ quý thầy đều mời tới dự. Sau nhiều lần đến tụng kinh và gieo duyên với chùa chiền, tôi được thầy trụ trì hướng dẫn quy y và được đặt Pháp danh là Quảng Thông. Từ đó tôi mới chính thức xây dựng một điện thờ Tam Bảo trên sân thượng – nơi mà trước đây tôi từng ngồi hóng mát và bày biện những tiệc nhậu linh đình trên ấy. Đó mới chỉ là hạt mưa nhân duyên đầu tiên rơi xuống mảnh vườn tâm tôi. Còn nhân duyên thực sự khiến cho tâm tôi bừng tỉnh ngộ để thay đổi con người lại bắt nguồn từ nỗi đau khổ về bệnh tật. Lẽ tất nhiên, chuyện gì phải đến thì sẽ đến. Bản thân tôi đã gây nên tội nghiệp sát sinh nên “nhân quả công bằng” tôi phải chịu căn bệnh sỏi thận ứ nước bên trong. Nếu ai mới nghe qua chắc sẽ nghĩ rằng đó cũng là bệnh thường thôi, uống thuốc là sẽ hết, nhưng sự thực là căn bệnh của tôi rất nguy hiểm cho tính mạng. Cơn bão bệnh này đem đến những cơn đau dữ dội, đau quằn quại tưởng chừng như không chịu nổi. Tôi còn nhớ có lần người nhà đưa tôi đến phòng cấp cứu gặp lại người quen là bác sĩ thì sự đau đớn làm tôi quên mất sĩ diện của bản thân. Tôi níu áo cậu ta kêu than, cầu xin cậu ấy cứu mình. Cậu ấy cũng thấu hiểu được cơn đau mà tôi đang chịu đựng nên an ủi, trấn an tinh thần tôi, rồi từ từ điều trị cho tôi bớt đau đớn. Nhưng đó mới chỉ là trị liệu ban đầu để giảm bớt những cơn đau, còn thực sự sỏi thận vẫn còn đó. Cậu ấy bàn với tôi, có hai cách để giải quyết căn bệnh, một là bắn tia laser tán nhuyễn sỏi thận và uống thuốc, hai là mổ lấy ra (thời đó chưa có kỹ thuật mổ nội soi như bây giờ mà phải mổ hở). Nhưng mà hai cách này cũng không đảm bảo là cho kết quả một trăm phần trăm như ý. Tôi bảo cậu ấy cho tôi thời gian về bàn bạc với gia đình rồi sẽ quay lại điều trị. Về nhà suy nghĩ tôi vẫn chưa biết mình nên làm thế nào. Trong khi đó, những cơn đau cứ tiếp tục hành hạ khiến tôi không ngày nào được yên. Lúc đó, tôi mới biết quý tiếc thân xác mình, mới thấy sợ mất nó. Bản thân có được tia hy vọng nào thì nhất định tôi phải thử. Tình cờ tôi tìm đến thăm người bạn cũ, anh cũng thực hành tu thiền và ăn chay trường. Tôi tâm sự cùng bạn, rồi anh khuyên bệnh là do duyên nghiệp gây ra nên bản thân phải nhận lãnh. Bạn khuyên rằng: Chuyện mổ thận bây giờ hãy tạm gác lại, nếu có đức tin thì hãy hành thiền để trị bệnh. Tôi nghe vậy giống như là người chết đuối bắt được phao, đúng như lời người ta nói: “Có bệnh thì vái tứ phương”. Lúc này, tôi đồng ý nghe theo bạn. Ngồi thiền kiết già và niệm Phật để chữa bệnh nghe có vẻ đơn giản quá! Nhưng mà thực tế thì mọi chuyện không dễ dàng! Ngày đầu tiên tập ngồi, lưng mỏi, chân tê, đau chịu không nổi, muốn bỏ cuộc bao nhiêu lần nhưng dần dần, mỗi ngày cố gắng một chút, tôi cũng ngồi được. Nhưng đến lúc ngồi kiết già được rồi thì lại buồn ngủ, không tập trung được! Tôi đã không thể nhiếp tâm thì làm sao niệm được danh hiệu A Di Đà Phật. Thế nhưng vì nghĩ đó là cứu cánh nên tôi phải kiên trì đến cùng. Ngày này qua tháng nọ, rồi tôi cũng đã ngồi được thuần thục và có thể chú tâm vào câu Phật hiệu. Khi ngồi yên lặng thì cũng là lúc tôi nhìn thấy quá khứ hiện về, tôi nhớ lại những việc mình đã làm, những tội lỗi đã gây ra, những cuộc ăn chơi hoang phí, sát sinh hại vật,… để rồi hiểu được vì sao hôm nay tôi lại mang thân bệnh khổ thế này. Sau đó, tôi phát tâm trường chay. Tôi vẫn kiên trì ngồi thiền, niệm Phật đồng thời cũng theo dõi bệnh tình của mình, tôi thấy mỗi lần kiểm tra là mỗi lần sỏi thận nhỏ lại một chút. Dần dần bây giờ tôi chỉ còn lại một dấu vết nhỏ là di chứng của viên sỏi thận, nhưng nó không còn gây đau đớn cho tôi nữa. Vào thời điểm đó không hiểu vì nhân duyên gì mà có lần tôi đến chùa Hoằng Pháp, Thầy trụ trì lại tặng cho tôi một VCD Làm sao tránh hiểm họa chiến tranh. Xem xong đĩa, tôi lại càng thấy tội lỗi mình chất chồng. Từ đó, tôi càng quyết tâm trường chay và tổ chức phóng sinh để trả lại nợ xưa. Vì chính tôi đã từng làm rất nhiều con vật phải chết trong đau đớn. Giống như trong câu kinh tôi thường tụng mỗi ngày: “Tội từ tâm khởi đem tâm sám. Tâm được tịnh rồi, tội liền tiêu”. Tôi rất hoan hỷ và tin tưởng vào việc làm của mình, nhưng bỗng một hôm tôi nghe người bạn bảo không nên đi phóng sinh nữa, vì nếu phóng sinh càng nhiều thì người ta bắt càng nhiều các con vật, vậy là tôi thêm tội chứ không có gì tốt cả. Nghe xong trong lòng tôi cũng thấy hoang mang, nhưng cũng thêm một duyên may nữa là tôi lại được gặp quý thầy, quý thầy tặng tôi cuốn Phóng sinh vấn đáp. Đọc xong tôi không còn sợ về việc phóng sinh của mình nữa, vì trong đó tôi tâm đắc nhất hai câu “phóng sinh có phước của người phóng sinh, người bắt thì có tội của người bắt”. Từ khi tin sâu Phật pháp, tôi như bừng tỉnh giữa cơn mê, như được tắm gội trong dòng nước pháp, thân thể tôi được khỏe mạnh, tâm tôi được an lạc. Cảm giác này trước đây tôi chưa từng có được! Dù có tiền cũng không thể mua được những giây phút an lạc, thảnh thơi ấy, nên tôi khẳng định đạo Phật đã đem lại cho tôi tài sản tinh thần lớn lao và niềm hạnh phúc vô biên. Để đền đáp ơn sâu mà chư Phật đã ban cho, tôi dành thời gian còn lại của mình để hiến dâng cho Phật pháp, tôi kêu gọi bạn hàng và những người thân của mình tham gia những hoạt động từ thiện. Tôi thường tổ chức những chuyến thiện nguyện cứu trợ đồng bào vùng sâu vùng xa và cũng thường ủng hộ học bổng cho các em học sinh nghèo hiếu học. Những dịp lễ Tết tôi theo quý thầy, cô phát quà cho những người già neo đơn, cũng là hoạt động ý nghĩa để tạo môi trường làm phước cho mọi người gần xa, người góp công, người góp của. Rồi cứ mỗi trưa Chủ Nhật hằng tuần tại phân xưởng của tôi đều tổ chức nấu cơm chay từ thiện, mỗi lần hơn 500 phần cơm. Tôi muốn nhân việc này giúp mọi người tập quen dần với việc ăn chay để giảm bớt đi nghiệp sát sinh, và biết đâu trong số ấy có người nhờ đó mà biết đến Phật pháp nhiều hơn. Bên cạnh đó tôi cũng tổ chức cúng thí thực cho những vong hồn và tụng kinh cho họ nghe để họ nương theo lời kinh mà tu hành, sớm được đầu thai làm người để không còn vất vưởng nơi trần gian. Thời gian này, tôi đã ý thức được tầm quan trọng của việc xây đắp đời sống tâm linh tốt đẹp nên cũng khuyên các con ăn chay niệm Phật, nhưng bây giờ khác xưa rồi, chúng không còn nghe lời tôi nữa. Chúng bảo: “Ngày xưa tụi con ăn chay theo bà ngoại thì mẹ nói là ăn chay sẽ bệnh, bây giờ mẹ lại khuyên con ăn chay, mẹ nói hai lời, không tốt rồi”. Tôi nghe vậy biết là ngày xưa mình đã sai khi chính mình đã đoạn đi cái căn lành với Phật pháp của con mình, nên giờ chúng mới phản ứng lại như vậy. Nhưng bằng tấm lòng của một người mẹ tôi nhẹ nhàng nói: “Hồi xưa mẹ chỉ biết làm ăn, buôn bán, đi chỗ này chỗ nọ nên bản thân mẹ cũng đã gây tạo nhiều tội lỗi. Thật ra mẹ vô minh mà mẹ đâu có biết, nên mẹ mới hành xử với các con như vậy! Còn bây giờ mẹ qua biết bao gian nan của cuộc đời, nay mẹ cũng đã hơn 50 tuổi, đó cũng là quãng thời gian mẹ nếm trải những đau khổ, vấp ngã để rút ra cho mình những bài học lớn. Đó là bài học của cả cuộc đời đã qua của mẹ, lẽ nào mẹ biết mà mẹ không dạy lại cho các con?”. Thế rồi từ từ, kiên nhẫn mãi, cộng thêm mỗi ngày tôi đều khấn nguyện hồng ân Tam Bảo gia hộ, hai con cũng đã nghe lời và phát tâm trường chay. Đó là niềm vui lớn nhất trong cuộc đời tôi kể từ khi biết Phật pháp. Thêm một điều nữa, những công nhân làm việc nơi xưởng của tôi đã biết học theo tôi tụng kinh và trường chay. Lúc đầu có lẽ vì các em tò mò muốn biết vì sao một người phụ nữ như tôi, cũng gọi là có chút tiền bạc, đi lại bằng xe hơi, mà không hiểu vì sao lại ăn uống kham khổ như vậy. Từ chỗ các em thắc mắc, tôi lại sẵn có kinh sách, băng đĩa, tôi cho các em tìm hiểu. Dần dần các em cũng đã hiểu được việc làm của tôi và phát tâm thực hành theo. Tôi rất vui mừng vì tuổi trẻ là tuổi rất dễ sa ngã bởi những cám dỗ của xã hội nhưng các em lại biết tụng kinh lễ Phật mỗi tối và trường chay. Tôi lấy làm mãn nguyện vì điều này lắm! Kể từ khi đến với Phật pháp, đời sống của tôi có thêm nhiều niềm hạnh phúc lớn, niềm vui của sự an lạc và thanh thản, không như những cuộc vui hoang phí nơi những bữa tiệc rượu của tôi ngày xưa. Niềm hạnh phúc ấy lạ lắm, hạnh phúc khi mà ta được đem niềm vui trao cho những người khác nữa. Cách đây không lâu, tôi cùng quý sư cô tổ chức một chuyến cứu trợ về miền Tây. Sau khi phát hết quà cho người dân rồi vẫn còn dư lại một số phần quà, sư cô mới bảo rằng, mình sẽ chạy dọc con sông này xem còn gia đình nào khó khăn thì mình cho họ. Thuyền máy cứ chạy dọc trên con sông, đến một ngôi nhà lá nọ có một ông cụ đang ngồi chẻ lạt, còn cụ bà đang cầm dao bổ củi. Khi đoàn tàu dừng lại, tôi mang phần quà đến trao cho bà cụ, bà ngơ ngác nhìn tôi rồi vội vàng đứng dậy phủi hai tay ôm lấy món quà của tôi, bà cười. Và nụ cười của cụ bà in sâu trong tâm trí tôi, tôi nghĩ khi mình tặng quà cho người ta thì họ vui một còn bản thân ta lại vui tới mười. Tôi vẫn nhớ cảm giác của ngày hôm ấy, lòng tôi cứ thấy lâng lâng vui sướng vì đã làm được những việc ý nghĩa. Đọc đến đây chắc quý vị cũng sẽ thắc mắc rằng tôi là người làm kinh doanh, phải thường xuyên gặp gỡ, ký kết hợp đồng với đối tác mà lại trường chay như vậy có ảnh hưởng đến công việc không. Phải nói thật rằng, ban đầu việc trường chay ảnh hưởng rất nhiều đến công việc làm ăn của tôi. Bởi vì trước đến giờ các đối tác đều hẹn đến những nhà hàng, quán nhậu để ký hợp đồng, mà tôi lại ăn chay thì thật là bất tiện cho cả hai phía. Thế nhưng, tôi đã hướng đến con đường tâm linh thì tôi sẽ quyết đi cho trọn. Ngày xưa đức Phật còn bỏ cả ngai vàng điện ngọc để ra đi tìm con đường giải thoát, huống chi tôi đây chỉ có một công ty nhỏ bé này. Nhưng thực ra tôi cũng không cần phải bỏ công ty, bỏ kinh doanh để theo Phật pháp. Tôi vẫn có thể cùng lúc làm được hai việc ấy một cách vẹn toàn. Vì dần dần bạn làm ăn cũng hiểu và thông cảm cho tôi, đến bây giờ thì công việc không còn trở ngại gì nữa. Qua câu chuyện của mình, tôi cũng không dám khuyên răn ai điều gì, chỉ là tôi đang chia sẻ bằng tất cả sự trải nghiệm của bản thân. Tôi mong, mọi người cũng sẽ nhận ra được những điều mà tôi đang muốn nói. Chúng ta không nên vì thú vui ăn uống mà giết hại những con vật tội nghiệp và rồi dửng dưng trước sự sợ hãi và đau đớn của chúng. Cũng đừng chôn vùi đời mình trong những buổi tiệc nhậu xa hoa. Nó chỉ đem lại cho chúng ta một tấm thân bệnh tật và một tâm hồn trống rỗng mà thôi! Nhân vật: Phật tử Quảng Thông Nhận định của thầy Thích Chân Tính Phật tử Hứa Thị Thanh Vân - Pháp danh Quảng Thông, tuy là người nữ nhưng có lẽ tính cách có phần nam tính. Bản thân cô không dính vào những tệ nạn như ma tuý, trộm cắp, cũng không ăn nhậu đến nỗi tan nát hạnh phúc gia đình. Ở đây cô chỉ có những hành động (có thể là những nguyên nhân trong tương lai dẫn đến sa đọa, tội lỗi) chẳng hạn như: không tin Phật pháp, cấm con ăn chay, chê bai quý thầy, chỉ ham làm ăn cho thật giàu mà không biết bố thí, trong việc giao tiếp làm ăn thì tập uống rượu, hút thuốc, sát sinh hại vật để thỏa mãn khẩu vị của mình. Nếu không biết Phật pháp, chắc chắn đó là những nguyên nhân để trong tương lai dẫn đến sa đọa, nhưng nhờ có căn lành, cô đã gặp được Phật pháp. Cũng là một con người ấy nhưng trước đây chưa hiểu Phật pháp thì đi vào con đường tội lỗi, sa đọa, bây giờ khi hiểu Phật pháp lại hướng về con đường tốt đẹp, cao thượng. Vậy nên, nếu tất cả mọi người đều hiểu biết Phật pháp và thực hành lời Phật dạy thì cuộc đời này sẽ tốt đẹp hơn rất nhiều. Trong câu chuyện về cuộc đời cô, tôi thấy có những điểm hay mà quý Phật tử tu học cần lưu ý. Thứ nhất, cô từ bỏ được rượu, thuốc lá, phát nguyện ăn chay trường mà công việc làm ăn vẫn thành đạt. Lâu nay chúng ta vẫn nghĩ rằng muốn làm ăn thì phải ăn nhậu, phải sát sinh. Vậy thì cô Vân là minh chứng cho chúng ta thấy ăn chay vẫn làm ăn thuận lợi thành công, chứ không phải cứ đến nhà hàng ăn nhậu mới thành công. Thứ hai, trước đây cô thường sát sinh để ăn, nhưng bây giờ phát nguyện ăn chay, không những ăn chay lại còn biết phóng sinh. Điểm thứ ba, tuy là chủ một doanh nghiệp nhưng cô sống rất đơn giản. Khi cô đến đây, tôi không nghĩ rằng cô là một chủ doanh nghiệp, bởi nhìn bề ngoài rất đơn giản, thế nhưng lại có cái tâm rất quý ở chỗ biết tiết kiệm bản thân mình để làm những việc lợi ích cho mọi người bằng những hành động từ thiện xã hội, cứu giúp những người khó khăn hoạn nạn. Và điều đặc biệt nữa là cô đã chuyển hóa được nhân viên của mình biết quy y, biết ăn chay, biết tụng kinh niệm Phật. Đây cũng là một tấm gương rất đáng trân trọng cho những Phật tử là chủ những doanh nghiệp làm thế nào để hướng nhân viên của mình biết quy y Phật pháp, biết ăn chay, niệm Phật. (Biên tập từ chương trình Phật Pháp Nhiệm Mầu kỳ 5)
Trở về dưới phật
Hôm nay Nguyễn Đức rất vui vì được tâm sự câu chuyện của mình và chia sẻ cùng quý vị về nhân duyên đến với Phật pháp, đặc biệt là nhân duyên đối với ngôi chùa Hoằng Pháp này. Nguyễn Đức là con út trong một gia đình bốn chị em. Mẹ Nguyễn Đức từng kể lại rằng, lúc mới sinh được ba người con gái, vì ba rất muốn có con trai nên đã cầu xin Quan Âm Bồ Tát cho ba một đứa con trai. Lúc đó ba kêu gọi mọi người cùng nhau quyên góp để xây nên ngôi chùa Nguyên Hương, nay nằm trên đường Nguyễn Tất Thành, quận 4. Và rồi mùa thu năm 1969 Nguyễn Đức đã ra đời vào ngày 19 tháng 9 âm lịch cũng là ngày vía đức Quan Thế Âm Bồ Tát. Lúc mọi người nói mẹ sinh con trai, ba mừng lắm, vội vã chạy đến bệnh viện thăm hai mẹ con. Từ đó, Nguyễn Đức được lớn lên trong vòng tay yêu thương của ba mẹ và các chị. Từ nhỏ đã bộc lộ khả năng ca hát, nên ngày ấy, Nguyễn Đức vừa đi học, vừa tham gia các chương trình văn nghệ của nhà thiếu nhi thành phố. Buổi tối, Nguyễn Đức thường đến chùa gần nhà để tụng kinh. Nguyễn Đức tụng kinh mau thuộc, mà tụng cũng giỏi nên có khi được cùng quý thầy đi tụng đám. Thời gian cứ thế trôi qua, khi trưởng thành Nguyễn Đức có may mắn được nhiều người giúp đỡ, ủng hộ. Dần dần tiếng hát của Nguyễn Đức được các nhạc sĩ mời thu âm, được lên truyền hình. Thời điểm đó báo chí viết về Nguyễn Đức rất nhiều. Nguyễn Đức được các trung tâm băng đĩa nhạc thành phố mời thu âm và quay video ca nhạc. Nguyễn Đức thấy mình rất may mắn trên con đường nghệ thuật, có lẽ vì lúc nhỏ hay đi chùa đọc kinh. Nhưng đến khi có được chút danh tiếng, Nguyễn Đức lại bị cuốn vào công việc mà quên hẳn Phật pháp, cứ thế trượt dài trên con đường ăn chơi trác táng, dù trước mắt là hố sâu vực thẳm mà không hay biết. Đến năm 1999, Nguyễn Đức cũng bắt đầu có tên tuổi trong làng ca nhạc giải trí. Gia đình Nguyễn Đức khi ấy đông người nên cũng khó khăn, chật vật. Thế nhưng Nguyễn Đức lại thích được tự do hưởng thụ nên đã ích kỷ xúi giục mẹ bán nhà. Vì Nguyễn Đức là con trai duy nhất trong nhà, điều gì Nguyễn Đức muốn là mẹ sẽ làm theo. Kể từ ấy, chị em, mẹ con phải chịu cảnh ly tán mỗi người một ngả. Sau khi bán nhà, Nguyễn Đức và mẹ mua một căn chung cư ở quận 3 để thuận tiện cho việc ca hát của Nguyễn Đức. Số tiền còn dư lại 20 cây vàng mẹ cũng giao cho Nguyễn Đức cất giữ. Như vậy thì còn gì bằng, vừa có chút tiền trong tay, lại có tiếng tăm, ra đường được nhiều người biết đến. Tên tuổi của Nguyễn Đức thường xuất hiện trên truyền hình và báo chí. Cuộc sống của Nguyễn Đức cứ như là đi trên mây vậy. Nguyễn Đức giao du với tất cả mọi người, mọi thành phần. Trong đó có rất nhiều người giàu có, họ đi xe hơi mời Nguyễn Đức đi ăn nhà hàng sang trọng, đi uống rượu Tây, đi vũ trường,… Rồi Nguyễn Đức bị người xấu rủ rê chơi đánh bài. Đến khi mê rồi thì một ngày Nguyễn Đức có thể đánh tới một, hai cây vàng mà không biết tiếc. Vì thua bài nên Nguyễn Đức mới đánh đề để gỡ gạc. Mới đầu cũng trúng một vài lần nhưng càng về sau càng thua. Sau đó, Nguyễn Đức gặp một số người giàu có, họ dẫn Nguyễn Đức đi vũ trường, nơi có tiếng nhạc sôi động cùng những ánh đèn màu rất đẹp, mình lại là ca sĩ có tên tuổi nên được nhiều người chú ý. Có người đưa cho Nguyễn Đức nửa viên thuốc lắc. Mới đầu cầm lên không biết là gì nên Nguyễn Đức ném đi. Vừa lúc đó có người nhặt lên bảo: “Đức ơi! Chơi đi! Vui lắm! Cái này mắc tiền lắm!” Nguyễn Đức cũng nể người ấy, không biết làm sao từ chối nên cũng nhắm mắt uống luôn. Chừng 10 phút sau, Nguyễn Đức không còn biết gì nữa, cứ quay cuồng trong tiếng nhạc. Kể từ đó Nguyễn Đức quên luôn sân khấu ca nhạc, bỏ show hát, ai mời cũng từ chối, thậm chí tắt luôn điện thoại. Vì Nguyễn Đức “bận”, ban ngày đánh bài và ghi đề, còn ban đêm đi vũ trường tới sáng mới về, bỏ mẹ ở nhà thui thủi một mình. Để làm yên lòng mẹ, Nguyễn Đức nói dối là đi hát về khuya nên mẹ không hay biết gì. Đáng lẽ ra Nguyễn Đức không nên thử viên thuốc ấy dù chỉ một lần trong đời. Vì khi dùng thứ thuốc chết người ấy bản thân mình không còn lý trí nữa, chân đi không vững, cảm giác lơ lửng như trên mây, đầu óc mụ mị không còn nhớ gì, ngay cả người thân. Nó có thể làm mình bị suy tim, hở van tim và đột tử bất ngờ. Lúc đầu Nguyễn Đức không nghĩ về hậu quả vì được người ta cung phụng mọi thứ, Nguyễn Đức nghĩ mình không mất gì nên cứ thế lao thân vào hố sâu tội lỗi. Người ta nói “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” quả không sai, vì Nguyễn Đức gần toàn bạn xấu, thường rủ rê chơi số đề. Mới đầu cũng chơi thử, ai ngờ càng lúc càng mê không dứt ra được. Hễ đêm nào nằm ngủ cũng mơ thấy số, đi ra đường cũng chỉ để ý đến những con số đẹp để đánh đề, nó làm cho con người mình trở nên mê muội, như là một Nguyễn Đức ma vậy. Năm 2003, nhóm người đi chơi với Nguyễn Đức bị truy nã, cả nhóm tan rã. Nguyễn Đức lúc đó xem như đã là con nghiện, vì không còn người chu cấp nên phải tự mua thuốc để chơi. Nhưng Nguyễn Đức cũng không còn tiền nữa, số tiền 20 cây vàng mẹ giao đều đã nướng vào canh bạc. Nguyễn Đức lại nói dối mẹ xin bán nhà để làm công việc riêng. Mẹ nghe vậy liền đồng ý. Năm 2004, hai mẹ con chuyển về căn nhà nhỏ hơn ở quận 10. Về nhà mới, Nguyễn Đức không hề dọn dẹp sửa soạn gian thờ. Bàn thờ có mà Nguyễn Đức cũng đem cất, chỉ để lại tượng Quan Âm và một lư hương sơ sài trên kệ tủ. Cuộc sống ở nơi mới, Nguyễn Đức giao du với rất nhiều bạn bè xấu, những người xung quanh đều lo sợ, tránh xa. Bản tính của Nguyễn Đức lúc đó rất hung hăng, cả nhóm đi chơi vũ trường lúc nào cũng đem dao bấm giấu trong giày bốt. Nguyễn Đức còn có ý nghĩ đem axit đổ vào lọ thủy tinh giấu trong túi quần đem vào vũ trường, nếu bị ai chọc giận thì sẽ trả thù. Không hiểu sao lúc đó tâm lý Nguyễn Đức bất mãn lắm. Từ đó tất cả mọi người, bạn đồng nghiệp, ngay cả chị gái cũng xa lánh Nguyễn Đức. Thế nhưng Nguyễn Đức vẫn mê đánh đề, vẫn đi vũ trường hằng đêm. Khi không còn tiền tiêu xài, Nguyễn Đức lấy giấy tờ nhà đi thế chấp ngân hàng 100 triệu. Cầm tiền trong tay, Nguyễn Đức sắm xe đời mới, mua điện thoại và tiếp tục đi vũ trường. Khi hết số tiền đó Nguyễn Đức lại bán xe, đi xe cà tàng; khi không còn tiền nữa, Nguyễn Đức cầm xe cà tàng và cuối cùng cũng bán luôn, sau đó đi bộ. Nguyễn Đức nghĩ nhà mình trị giá tới 90 lượng vàng thì cầm 100 triệu đâu có đáng gì. Vậy là 100 triệu bỗng chốc tiêu tan. Do không còn tiền đi chơi nữa, Nguyễn Đức lấy thuốc lắc bỏ trong người để đi bán kiếm tiền chơi thuốc. Bán thì ít mà nghiện nên xài nhiều hơn bán khiến cơ thể suy nhược phải đi cấp cứu nhiều lần, nhưng chứng nào tật nấy vẫn cứ mê vũ trường chơi thuốc lắc, nhảy nhót thâu đêm. Hoàn cảnh gia đình Nguyễn Đức lúc đó khó khăn lắm, điện thoại chỉ mấy trăm ngàn Nguyễn Đức cũng bán, điện thoại bàn cũng bị cắt vì chưa thanh toán cước, bàn ghế, dụng cụ trong nhà cũng bán hết. Lúc đó Nguyễn Đức với mẹ khổ lắm, mỗi lần chị cho mẹ vài ba chục ngàn, mẹ lại chia cho Nguyễn Đức phân nửa để mua đồ ăn. Còn nhớ, thời gian đó Nguyễn Đức ăn mì gói, cháo gói thường xuyên, có khi ra chợ Hòa Hưng mua rau muống nhưng bỏ trong bao xốp màu đen đem về vì sợ hàng xóm nhìn thấy. Nguyễn Đức nhớ có lần đi chơi về, vì không có tiền trả thuốc lắc nên nói dối mẹ cho mượn tiền. Lúc đó mẹ đâu còn gì nữa, chỉ còn một sợi dây chuyền nhưng mẹ cũng đưa Nguyễn Đức đem bán để trả tiền thuốc lắc. Rồi có lần Nguyễn Đức đi chơi và dùng thuốc lắc quá liều, đêm hôm đó trở về nhà, Nguyễn Đức bị đột quỵ. Ngoài trời mưa lớn, trong người Nguyễn Đức thấy khó thở, đầu óc cảm giác cháy bừng bừng, nghĩ chắc mình sẽ không qua nổi. Mẹ khóc nhiều lắm, còn Nguyễn Đức cố trăn trối đủ thứ. Nhưng rồi chợt nhớ đến mẹ Quan Thế Âm Bồ Tát, Nguyễn Đức cố gắng đứng dậy từ từ đốt nén hương chắp tay cầu xin Ngài, thưa rằng: “Con hư đốn, con biết tội lỗi của mình. Xin Ngài hãy cứu sống con một lần này, con sẽ không dám nữa, con chưa làm được việc gì cho mẹ, cho gia đình, xin Ngài thương mà cứu con”. Nguyễn Đức thấy khuôn mặt Ngài rất đẹp, đang từ bi nhìn mình, linh tính cho Nguyễn Đức biết rằng mình phải nên đi tới đi lui để xả độc dược trong người ra. Nguyễn Đức đi rất chậm rãi và uống nước vào từ từ, cứ như thế Nguyễn Đức đi tiểu ra và cơn đột quỵ tan biến. Kể từ đó, Nguyễn Đức hiểu rõ được tác hại của thuốc lắc, và hơn hết là đã cảm nhận được sự vô thường trong cuộc đời này. Những người vừa đi chung với Nguyễn Đức hôm nào một số người chết vì thuốc lắc, một số người bị đâm chết, bị bắn chết, bị cướp xe và một số người đã bị tử hình. Còn bản thân Nguyễn Đức cũng bị đột quỵ suýt chết. Nguyễn Đức quyết định từ bỏ cuộc đời vô nghĩa mà mình đã lao vào như con thiêu thân để làm lại cuộc đời mới. Trong thời gian nhà đang cầm cố, không thể trả nợ, Nguyễn Đức đăng báo tìm người môi giới bán nhà mà không được. Nguyễn Đức cũng nhờ thầy đến làm phép, rồi Nguyễn Đức đi khắp nơi linh thiêng để cầu xin nhưng vẫn không ích gì. Về sau, xem phong thủy mới biết rằng ngôi nhà của Nguyễn Đức dáng hình như con dao, đằng trước vuông mà đằng sau như cái cán, cho nên bao nhiêu người vào là bấy nhiêu người lắc đầu đi ra. Cuối cùng, Nguyễn Đức gặp một người chị của bạn, chị đó nói rằng: “Đức ơi, Đức phải tu đi, mình mà không có Phật là mình khổ lắm! Mỗi ngày Đức đến chùa sám hối đi!” Nguyễn Đức nói: “Bây giờ em đang thiếu nợ ngân hàng không trả nổi, tâm đâu mà đi chùa”. Chị vẫn kiên nhẫn nói: “Đức đi chùa Hoằng Pháp đi, ở đó linh lắm, ai đi về rồi cũng an lạc hết”. Nguyễn Đức cũng không tin lắm, đang trong tình cảnh thiếu nợ nên không có tâm đi chùa, hơn nữa thứ bảy, Chủ Nhật là ngày người ta đến xem nhà nhiều, Nguyễn Đức nói với chị phải ở nhà để chờ khách xem nhà. Chị vẫn không chịu thua, nói: “Đức khỏi bán nhà được đi, đừng nói đến chuyện có nhà để có chỗ thờ ông bà, nếu Đức không đi chùa, không biết tu thì mai mốt Đức sẽ đi ăn cướp, mẹ Đức sẽ đi bán vé số, đi ăn xin”. Tự nhiên nghe xong người Nguyễn Đức nổi da gà hết, chị giống như là Bồ Tát hóa thân để nói cho Nguyễn Đức biết điều đó vậy. Nguyễn Đức về chờ đợi sẽ bán được nhà nhưng vô vọng, khi tình thế cấp bách quá không còn phương bấu víu thì cũng đành đi một lần cho biết. Đó là hôm Tu Một Ngày đầu tháng 10 âm lịch, Nguyễn Đức đi xe buýt lên chùa Hoằng Pháp. Đến nơi thấy các cô chú mặc áo tràng đẹp lắm, miệng ai cũng tươi cười, hoan hỷ. Nguyễn Đức đi ngang qua phòng phát hành kinh sách, thấy trên lầu để Phật pháp nhiệm mầu, rồi Nguyễn Đức đi đến đài Quan Âm chắp tay cầu xin Ngài và khóc rất nhiều. Nguyễn Đức nói: “Con lạy Ngài, xin Ngài hãy cứu con. Con không biết Phật pháp nhiệm mầu là gì cả, nếu Ngài thật sự linh thiêng, xin Ngài cho con bán được ngôi nhà để cứu con và mẹ”. Sau đó, Nguyễn Đức về cũng không dám nghĩ là mình có hy vọng. Nhưng qua ngày thứ Hai đầu tuần, tự nhiên Nguyễn Đức nhận được điện thoại, người đó là người quen trong ngành nghệ thuật của Nguyễn Đức, họ đến xem và đồng ý mua ngay. Nguyễn Đức có được một trăm mấy chục triệu ngay sáng thứ Ba đem vào ngân hàng. Sau khi giải quyết xong thủ tục với ngân hàng, khoảng một tuần sau Nguyễn Đức mua trái cây, mua hoa lên chùa Hoằng Pháp tạ lễ. Nguyễn Đức đi chùa mà trong lòng nhẹ nhõm, thấy sao mà đông quá, còn đông hơn ngày Tu Một Ngày nữa, thì ra ngày đó là ngày giỗ Tổ chùa Hoằng Pháp. Nguyễn Đức dâng hoa, dâng trái cây lên mẹ Quan Âm và đức Phật A Di Đà trong chánh điện. Nguyễn Đức lúc đó đã rơi tới hố sâu rồi, mất hết nghề nghiệp, không còn ai nhớ tới cái tên Nguyễn Đức nữa, nhưng niềm đam mê của Nguyễn Đức luôn trỗi dậy. Nguyễn Đức khao khát được đứng dưới ánh đèn sân khấu và phía dưới là khán giả đang chờ đợi mình. Nguyễn Đức mơ ước một ngày nào đó được thu âm những ca khúc Phật giáo, được trở lại với nghề nghiệp. Từ đó, hàng tháng Nguyễn Đức đều tham dự một ngày tu ở chùa. Vào một ngày tu cuối năm, Nguyễn Đức nghe các bạn mình nói rằng sắp tới lễ Vía Phật A Di Đà, vào ngày đó đông lắm, đẹp lắm, còn có chương trình ca nhạc nữa. Thế là Nguyễn Đức lại cầu nguyện với mẹ Quan Âm rằng một ngày nào đó mình được hát trong chương trình Vía Phật A Di Đà. Thật là nhiệm mầu làm sao, cuối năm 2007 Nguyễn Đức tình cờ đi thu chương trình nhạc xuân ở một phòng thu thì gặp nhạc sĩ Vũ Ngọc Toản – người nhạc sĩ chuyên viết nhạc Phật giáo. Nguyễn Đức mừng lắm, liền xin nhạc sĩ giúp cho Nguyễn Đức được hát mặc dù lúc ấy sức khỏe còn yếu. Nhạc sĩ đưa Nguyễn Đức với Tú Linh bài hát Mười Hai Vui. Nguyễn Đức thu xong thì đúng một năm sau Nguyễn Đức được hát Mười Hai Vui tại sân khấu chùa Hoằng Pháp nhân ngày giỗ Tổ và lễ Vía A Di Đà. Nguyễn Đức cũng được hát bài Hoa Đăng Đêm Di Đà. Lúc đó Nguyễn Đức bước ra cảm giác rất hạnh phúc. Dưới sân chùa lung linh mấy chục ngàn ngọn đèn, Nguyễn Đức và bạn bước ra, trên là quý thầy, chư Tôn Đức, cảm giác vui sướng không thể nào tả nổi! Nguyễn Đức nghĩ, Phật pháp nhiệm mầu thật sao? Từ đó Nguyễn Đức rất an vui, hạnh phúc. Được thu âm những ca khúc Phật giáo, Nguyễn Đức thấy rất lợi ích, cuộc đời Nguyễn Đức không còn khổ nữa, mỗi ngày đều tụng kinh nên tâm được thanh tịnh. Bây giờ, cuộc sống hiện tại của Nguyễn Đức ngoài việc đi hát ra, ở nhà Nguyễn Đức thường trì tụng kinh Pháp Hoa; đi, đứng, nằm, ngồi Nguyễn Đức trì chú Đại Bi, niệm Phật. Nguyễn Đức cũng thường thu kinh, thu truyện cổ Phật giáo và được đi hát chùa cùng các anh em nghệ sĩ. Đặc biệt Nguyễn Đức còn có một người em kết nghĩa là Trung Kiên, đã tạo điều kiện cho Nguyễn Đức cùng các bạn đi đến những vùng sâu vùng xa, mang lời ca tiếng hát của mình để góp chút ấm áp cho những người nghèo khổ. Nguyễn Đức thấy khi mình có Phật cuộc đời mình phơi phới, có công việc tốt, không còn đau khổ, đi đâu cũng được mọi người thương mến. Nguyễn Đức chỉ muốn chia sẻ rằng, nếu những ai đã vướng phải như Nguyễn Đức thì “quay đầu là bờ”, hãy quay về với gia đình, từ bỏ bạn xấu, hãy nhìn thấy rõ những hậu quả khôn lường có thể cướp đi mạng sống của mình, hoặc để lại những di chứng bệnh tật về sau. Tương lai chúng ta còn rất nhiều việc có ý nghĩa để làm, không có lý do gì để chôn vùi đời mình trong những thứ thuốc độc chết người ấy. Trong vấn đề này, Nguyễn Đức thấy gia đình rất quan trọng. Mong rằng ba mẹ, anh chị hãy quan tâm đến con em mình, hãy thường xuyên xem xét những giờ sinh hoạt của các em, nhắc nhở khuyên bảo các em từ bỏ bạn xấu. Vì có sự quan tâm, chia sẻ và nhắc nhở, bảo ban của gia đình thì các em sẽ phần nào lánh xa được bạn bè xấu và những tệ nạn xã hội. Hiện tại, Nguyễn Đức có ba điều ước luôn tâm niệm trong lòng mình. Điều ước thứ nhất, cầu nguyện ơn trên chư Phật gia hộ cho mẹ có được sức khỏe để sống thật lâu bên Nguyễn Đức, vì trong lúc hoạn nạn, những lúc lâm nguy khổ cực nhất, mẹ vẫn luôn luôn bên cạnh, không từ bỏ Nguyễn Đức. Điều ước thứ hai, Nguyễn Đức mơ ước chúng ta hãy cùng nhau tu tập, tu ở đây không có gì khó, tu ở đây là sửa, mình chưa tốt mình sửa cho tốt hơn. Chẳng hạn như Nguyễn Đức xấu xa như vậy mà còn tu được sửa được thì mọi người đều có thể làm được. Và điều ước thứ ba, cầu xin ơn trên cho Nguyễn Đức sức khẻo để tiếp tục ca hát, thu âm những bài hát mang đậm giáo lý đạo Phật, và có thể mở một công ty chuyên tổ chức sự kiện, chương trình văn nghệ từ thiện nhằm gây quỹ giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Nhân vật: Ca sĩ Nguyễn Đức Nhận định của thầy Thích Chân Tính Ca sĩ Nguyễn Đức vào thời thơ ấu cũng như lúc trưởng thành đã sống một cuộc đời rất tốt đẹp, như chính ca sĩ đã nói mình từng đến chùa tụng kinh và theo quý thầy tụng đám. Song song với việc đến chùa, ca sĩ cũng đã được rất nhiều thuận duyên trong nghề nghiệp, cũng từ đó trở thành một người nổi tiếng, được báo chí, truyền hình ca tụng. Thế rồi, dần dần lại sa ngã vào cờ bạc, đánh đề, đến vũ trường sử dụng thuốc lắc; bản thân ngày một sa đoạ, gia đình sa sút. Đáng lẽ ra, từ nhỏ ca sĩ đã được đến chùa tụng kinh, được gần gũi quý thầy thì phải ngày càng hướng thiện bản thân mình hơn. Thế nhưng ở trường hợp của ca sĩ thì lại ngày càng lún sâu vào con đường ăn chơi sa đọa. Như vậy, điều này nguyên nhân là do đâu? Bài học rút ra là do chúng ta đi chùa, nhưng không học pháp, không thực hành lời Phật dạy; nếu chúng ta học Phật pháp, thực hành theo lời Phật dạy chắc chắn sẽ không đến nỗi thân bại danh liệt, nhà tan cửa nát và lâm vào tình cảnh suýt bị thần chết đưa đi như vậy. Đến lúc đó mới biết nghĩ đến Phật thì sợ rằng không kịp nữa. Người ta nói “Có bệnh thì vái tứ phương, không bệnh thì nén hương chẳng mất”, lâu nay lo ăn chơi, chẳng nhớ đến Phật pháp, đến lúc sắp chết rồi mới cầu xin đức Quán Thế Âm. Nhưng quả là ca sĩ cũng có đầy đủ nhân duyên, phước báu nên sau đó cảm ứng được sự mầu nhiệm của Phật pháp, khiến ca sĩ biết quay đầu và từ đó mới thực sự đi chùa, thực sự đến với Phật pháp. Lúc nhỏ ca sĩ cũng đến chùa nhưng chưa chắc đến để học Phật pháp, để thực hành lời Phật dạy, bây giờ trải qua đau khổ, sa đọa mới nhận ra, mới tìm đến Phật pháp để học, để thực hành. Và rõ ràng bây giờ ca sĩ đã thay đổi rất nhiều. Đây mới chính là sự mầu nhiệm của Phật pháp. Cuối cùng chúng tôi thấy những điều ước của ca sĩ cũng rất chân thành, điều ước thứ nhất thể hiện được cái tâm hiếu đạo của ca sĩ đối với mẹ mình. Chúng tôi cũng mong rằng hai điều ước sau cùng cũng sẽ thực hiện được trong tương lai không xa. Và chúng tôi tin ca sĩ sẽ có được đạo tâm kiên cố và tinh tấn trên con đường tu tập, gia đình luôn được an vui hạnh phúc. (Biên tập từ chương trình Phật Pháp Nhiệm Mầu kỳ 26)