Pháp môn tịnh độ

LỜI DẪN
Trong năm giới căn bản của người Phật tử, giới đầu tiên là không sát sinh. Quả báo của hành động sát sinh này rất nặng, không những gây ảnh hưởng xấu trong đời này mà còn nhiều đời về sau. Chính vì sát sinh nguy hại như vậy nên bây giờ tôi sẽ chia sẻ một vài câu chuyện trong kinh điển nhà Phật, để chúng ta cùng rút ra bài học cho bản thân mình.
CÂU CHUYỆN THỨ NHẤT: CHUYỆN VỀ CON DÊ
Trong kinh Tiểu Bộ có chép một câu chuyện mang tên “Chuyện đồ ăn cúng người chết”[1], nội dung như sau: Một hôm, các đệ tử đến bạch với đức Phật:
    • Bạch đức Thế Tôn, chúng con thấy nhiều người giết hại sinh mạng của các loài hữu tình để làm đồ ăn cúng cho người chết, như vậy có được hạnh phúc hay lợi ích nào không?
Đức Phật trả lời:
  • Cúng đồ ăn cho người chết như vậy không có lợi ích gì, bởi hành động sát sinh không thể mang lại lợi ích.
Nói vậy xong, đức Phật kể một câu chuyện thời quá khứ: Có vị Bà-la-môn nọ chuẩn bị giết một con dê để cúng cho người chết. Trước khi giết, ông sai các đệ tử đem con dê ra bờ sông, tắm rửa sạch sẽ, cho ăn uống đầy đủ và đeo vòng hoa lên cổ nó. Các đệ tử làm y lời thầy dạy. Nhưng khi họ vừa đeo vòng hoa xong và chuẩn bị dắt con dê về, tự nhiên nó cười rất lớn. Sau khi cười một lát, nó lại khóc rất to. Thấy vậy họ hết sức ngạc nhiên, bèn hỏi:
  • Tại sao ngươi cười rồi lại khóc? Con dê nói:
  • Tôi sẽ trả lời câu hỏi này trước mặt thầy của các ông.
Họ dắt con dê về và trình bày lại tất cả sự việc cho vị thầy Bà-la-môn nghe. Nghe xong, ông ta hỏi con dê:
  • Tại sao ngươi cười? Con dê trả lời:
  • Thuở trước, tôi cũng là một vị Bà-la-môn thông thuộc kinh Vệ-đà giống như ông. Vì giết một con dê mà tôi bị quả báo làm dê, bị chém đầu trong bốn trăm chín mươi chín lần sống chết. Đây là lần sống chết thứ năm trăm và cũng là lần cuối cùng. Hôm nay, tôi sẽ thoát khỏi sự đau khổ ấy. Nghĩ vậy, tôi cảm thấy sung sướng. Do nhân duyên này nên tôi cười.
Vị Bà-la-môn hỏi tiếp:
  • Vậy tại sao ngươi lại khóc?
Con dê trả lời:
  • Tôi chỉ chặt đầu một con dê để cúng tế mà phải chịu khổ hình chặt đầu tới năm trăm lần. Khi giết tôi, ông cũng giống như tôi, phải chịu khổ hình chặt đầu trong năm trăm đời sống. Vì thương xót ông sẽ bị quả báo đó nên tôi khóc.
Khi nghe như vậy, vị Bà-la-môn kia sợ hãi đến rợn cả tóc gáy. Ông ta bảo:
  • Thôi tha cho ngươi, ta sẽ không giết ngươi nữa.
  • Xin cảm ơn ông, nhưng nghiệp của tôi đã đến lúc phải trả. Dù ông có giết hay không thì hôm nay tôi cũng phải chết.
Vị Bà-la-môn liền nói:
  • Không sao đâu, ta sẽ đi theo bảo vệ ngươi.
Nhưng con dê đáp lại rằng:
  • Ôi Bà-la-môn, nhỏ nhoi thay sự bảo vệ của ông, to lớn thay nghiệp ác tôi làm!
Sau đó vị Bà-la-môn và các đệ tử liền đi theo bảo vệ để không ai có thể bắt giết, chặt đầu nó. Được thả, con dê đi đến bụi cỏ mọc sau lưng một tảng đá để ăn. Khi nó đang vươn mình ra gặm cỏ, chợt sét nổi lên đánh trúng vào tảng đá, một mảnh đá bị đánh vỡ văng ngay vào cổ con dê, chặt đứt đầu, khiến nó chết tại chỗ. Nhiều người kéo đến xem và tận mắt chứng kiến sự thật vô cùng đáng sợ này. Từ đó trở đi, họ không dám giết hại sinh vật để cúng tế nữa. Đó là câu chuyện thứ nhất về quả báo của việc sát sinh. Chú thích:
[1] Đại Tạng Kinh Việt Nam (2000), “Chuyện đồ ăn cúng người chết (Tiền thân Matakabhatta)”, Phẩm Giới, Kinh Tiểu Bộ IV, Thích Minh Châu dịch, NXB TPHCM.
CÂU CHUYỆN THỨ HAI: CHUYỆN NGƯỜI GIẾT HEO
Tiếp theo, tôi sẽ kể một câu chuyện trong Tích truyện Pháp Cú mang tên “Cunda – đồ tể mổ heo”[2]: Có một ông tên là Cunda làm nghề giết heo đã hơn năm chục năm. Mỗi lần giết heo, ông lấy chày đập lên mình con heo cho thịt nó sưng lên và mềm đi. Xong, ông banh hàm con heo, đặt vào miệng nó một cái nêm[3] nhỏ, rồi rót nước sôi vào bụng để súc ruột, tống hết phân dơ ra ngoài. Tiếp đó, ông đổ nước sôi lên mình con heo cho sạch rồi thui lớp lông cứng bằng một cây đuốc. Rồi người đồ tể chặt đứt đầu con heo bằng một thanh kiếm, hứng máu phun ra vào đĩa, bôi máu hứng được lên mình heo và quay chín nó. Cuối cùng, ông giữ lại một phần thịt để ăn, phần còn lại mang đi bán. Trong hơn năm mươi năm ông đều giết heo như thế. Quả báo là, lúc sắp chết, ông rống lên eng éc và bò quanh nhà giống như con heo trong vòng bảy ngày. Họ hàng, người thân đều vô cùng kinh hãi, họ chặn hết các cửa, nhốt ông ở trong nhà không cho bò ra bên ngoài. Vài vị Tỳ-kheo đi ngang qua cửa nhà Cunda, nghe tiếng eng éc ồn ào thì tưởng là tiếng heo kêu. Về đến tinh xá, họ ngồi bên đức Phật và bạch rằng:
  • Bạch đức Thế Tôn, trong bảy ngày vừa qua, cửa nhà đồ tể Cunda đóng kín và ngày nào cũng giết heo. Thế Tôn nghĩ xem, bao nhiêu là heo bị giết! Hiển nhiên, ông ta không có một chút từ bi và hoàn toàn thiếu lòng trắc ẩn. Từ trước tới giờ chúng con chưa thấy ai độc ác như thế!
Đức Phật nói:
  • Này các Tỳ-kheo! Cunda không giết heo trong bảy ngày qua. Sự trừng phạt thích đáng với nghề đồ tể giết heo đã xảy đến bất ngờ: Ngay khi ông ta còn sống, cực hình của địa ngục A-tỳ đã hiển hiện. Vì cực hình này, ông ta bò tới bò lui trong nhà suốt bảy ngày, kêu la eng éc như một con heo. Hôm nay, Cunda sẽ chết và sẽ bị đọa vào địa ngục A-tỳ.
Đó là câu chuyện thứ hai về quả báo của việc sát sinh. Chú thích: [2] Viên Chiếu (2012), “Cunda – đồ tể mổ heo”, Phẩm Song yếu, Tích truyện Pháp Cú tập I, NXB Tôn Giáo. [3] Nêm: công cụ có hình lăng trụ tam giác, dùng để tách hoặc giữ cho vật ở đúng vị trí.
CÂU CHUYỆN THỨ BA: CHUYỆN NGƯỜI GIẾT BÒ
Trong Tích truyện Pháp Cú[4] có kể về một người giết bò. Ông này làm nghề đồ tể cũng đã hơn năm mươi năm. Mỗi lần giết bò để bán, ông đều giữ lại phần thịt ngon nhất cho mình và gia đình ăn. Một hôm, như thường lệ, ông bán hết thịt và chỉ chừa lại một miếng, ông đưa cho vợ nấu cơm rồi đi ra ao tắm. Đúng lúc đó, một người bạn chạy qua nhà ông mua thịt về làm thức ăn đãi khách. Bà vợ bèn nói rằng: “Thịt đã bán hết rồi, chỉ còn một miếng chồng tôi để lại ăn bữa nay nên không thể bán cho anh được”. Khi nghe như thế, người bạn nghĩ: “Mình biết ông ấy sẽ không ăn nếu không có thịt. Giờ đã hết thịt bán, chỉ còn lại một miếng dành để ăn thì chắc gì ông ấy chịu bán cho mình!”. Và người này tự để lại tiền rồi lấy miếng thịt đi. Bà vợ thấy vậy nhưng không làm sao ngăn cản được.
Ông chồng tắm xong lên, nhìn mâm cơm chỉ có rau cải mà không có thịt bò, ông hỏi: “Tôi đưa cho bà miếng thịt để làm cơm, vậy miếng thịt đâu rồi?”. Bà vợ kể lại đầu đuôi câu chuyện cho ông chồng nghe. Sau khi nghe xong, ông nói: “Không có thịt thì dứt khoát tôi không ăn!”. Dù bà vợ năn nỉ thế nào ông cũng kiên quyết bắt dẹp mâm cơm đi, vì phải có thịt ông mới ăn được. Rồi ông tức giận cầm dao đi ra ngoài, tới chỗ con bò đang bị cột gần đó, thò tay vào miệng lôi lưỡi nó ra, cắt đứt rồi đem vào nhà, bỏ mặc con bò rống lên trong đau đớn. Sau đó, ông mang nướng trên lò than để ăn với cơm. Ngay khi ông vừa cắn một miếng lưỡi bò thì chẳng may cắn đứt lưỡi của mình. Máu tuôn thành dòng từ miệng, ông bò quanh sân nhà, rống lên đau đớn như con bò bị cắt lưỡi. Ngay lúc đó, ông nhận hình phạt cho nghiệp ác mà mình vừa gây ra. Một lát sau, ông ta chết và bị đọa vào địa ngục A-tỳ.
Đó là câu chuyện thứ ba về quả báo của việc sát sinh. Chú thích: [4] Viên Chiếu (2012), “Người đồ tể và đứa con trai”, Phẩm Cấu uế, Tích truyện Pháp Cú tập III, NXB Tôn Giáo
CÂU CHUYỆN THỨ TƯ: CHUYỆN NGƯỜI THỢ SĂN
Trong kinh Tiểu Bộ, “Chuyện con khỉ Cullanandiya”[5] kể về một anh thanh niên chuyên làm nghề săn bắn. Hôm đó, anh vào rừng nhưng không săn được con thú nào. Trên đường trở về nhà, nhìn thấy một cây bàng rất to cuối cánh rừng, anh ta bèn đi đến chỗ cái cây với hy vọng sẽ săn được con vật gì ở đấy. Lúc đó, trên cây bàng có hai con khỉ đang đút thức ăn cho khỉ mẹ bị mù. Mắt thấy người thợ săn đã lại gần, chúng không kịp đưa khỉ mẹ đi nên đành để mẹ ngồi đó, rồi tìm chỗ núp giữa các cành cây. Người thợ săn đứng dưới gốc cây, nhìn lên thì phát hiện ra khỉ mẹ và giương cung định bắn. Thấy vậy, khỉ anh liền ra xin anh ta tha cho khỉ mẹ và giết nó để thay thế. Người thợ săn bèn dùng tên bắn con khỉ anh rớt xuống. Sau đó, anh ta giương cung định bắn tiếp khỉ mẹ. Khỉ em thấy vậy cũng đi ra van xin và nguyện chết thay cho mẹ mình. Người thợ săn liền giương cung bắn khỉ em, rồi bắn nốt cả khỉ mẹ. Xong, anh ta gom ba xác khỉ lại, cho lên đòn gánh mang về.
Trong lúc ấy sấm sét nổi lên đánh xuống nhà người thợ săn độc ác, thiêu cháy vợ, con và cả căn nhà. Về đến cổng làng, một người ra báo tin dữ cho anh ta biết. Quá sầu khổ vì mất vợ, mất con, anh ta quăng đòn gánh, cây cung, bỏ cả quần áo, khóc than chạy vào nhà. Đúng lúc ấy, một cây cột nhà bị gãy, rơi xuống và làm vỡ đầu anh. Anh ta chết ngay tại chỗ và bị đọa vào địa ngục A-tỳ. Đó là câu chuyện thứ tư về quả báo của việc sát sinh. Chú thích:  [5] Đại Tạng Kinh Việt Nam (2000), “Chuyện con khỉ Cullanandiya (Tiền thân Cullanandiya)”, Phẩm Kasava, Kinh Tiểu Bộ V, Thích Minh Châu dịch, NXB TPHCM.
CÂU CHUYỆN THỨ NĂM: CHUYỆN NGƯỜI BẪY CHIM
Cuối cùng là câu chuyện mang tên “Vì bạo ác nổi mụn nhọt”[6]. Một vị Tỳ-kheo tên là Tissa bị mụn nhọt nổi lên khắp người. Lúc đầu chúng chỉ to bằng hạt cải, sau lớn dần bằng hạt đậu tây, đậu Hà Lan, rồi bằng hạt táo ta. Cuối cùng, chúng vỡ ra khiến toàn thân thầy bị lở loét. Vết lở ăn vào tới xương, mùi tanh hôi bốc lên nồng nặc. Lúc đầu, các thầy Tỳ-kheo ở trong tinh xá cũng thương và chăm nom thầy rất cẩn thận, nhưng về sau, do hôi thối quá không ai chịu nổi nên đành bỏ mặc. Biết được chuyện này, đức Phật liền đến an ủi thầy Tissa, và tự tay lấy nước ấm tắm rửa cho thầy thật sạch sẽ. Xong, Ngài đọc cho thầy nghe một bài kệ. Đến cuối bài kệ thầy chứng quả A-la-hán và Niết-bàn. Dù luôn phải chịu đau đớn do bệnh tật giày vò, nhưng lúc nào thầy Tissa cũng chính niệm, tỉnh giác, tinh tấn tu tập, và đến khi gần qua đời thì thầy chứng quả A-la-hán. Sau khi thầy Niết-bàn, các thầy Tỳ-kheo bèn hỏi đức Phật: “Bạch đức Thế Tôn, tại sao thầy Tissa lại bị căn bệnh hiểm nghèo như thế? Và nguyên nhân nào mà thầy ấy trước khi chết lại chứng được quả A-la-hán?”.
Đức Phật liền kể chuyện về thầy Tissa cho đại chúng nghe:
Đời trước, thầy Tissa là một người thạo nghề bẫy chim. Phần lớn số chim bắt được ông thường để sống, bởi nếu giết và cất giữ quá lâu thì thịt sẽ dễ bị hư thối. Thế nhưng, để tránh chúng bay mất, ông luôn bẻ gãy xương chân và xương cánh của chúng, rồi dồn thành một đống, dành đến ngày hôm sau mới giết và đem đi bán. Một hôm, có vị A-la-hán đi khất thực và dừng chân trước cửa nhà ông. Khi đó bỗng dưng trong lòng ông dâng lên một cảm giác nhẹ nhàng, thanh thản, vì vậy ông đã phát tâm dâng thức ăn cho vị A-la-hán này. Ông đỡ lấy bình bát, bỏ vào đó đầy những món ăn thơm ngon, đoạn gieo năm vóc sát đất, đảnh lễ và thưa: “Tôn giả! Xin cho con được vào quả vị cao nhất mà Ngài đã chứng”. Vị A-la-hán hồi hướng công đức cho ông sẽ được như vậy. Nhờ công đức cúng dường đó nên ông được xuất gia và chứng quả A-la-hán, nhưng vì quá khứ đã bẻ cánh và chân chim, tạo nhiều nghiệp sát nên thầy Tissa bị quả báo lở loét khắp người, đau đớn đến tận xương tủy.
Đó là câu chuyện thứ năm về quả báo của việc sát sinh. Qua năm câu chuyện kể này, chúng ta thấy rằng có ba loại quả báo, là hiện báo, sinh báo và hậu báo. Đầu tiên là hiện báo, nghĩa là quả báo sẽ trổ ngay trong đời này. Giống như khi ta ném một quả bóng vào tường, ném càng mạnh thì dội lại càng nhanh. Vậy trong năm câu chuyện kể trên, câu chuyện nào nói về quả báo hiện đời? Một là chuyện người đồ tể giết heo. Cả đời ông ta giết heo nên cuối đời ông ta phải chết một cách đau đớn, phải la hét, bò lê khắp nhà giống như con heo. Hai là chuyện người giết bò. Ông ta đã cắt lưỡi một con bò đang còn sống và ngay sau đó phải chịu quả báo đứt lưỡi. Ba là chuyện người thợ săn. Anh thợ săn này giết hại ba mẹ con nhà khỉ, lúc trở về, không những cả gia đình anh đã chết cháy mà bản thân cũng phải chết do cây cột nhà rơi vào đầu. Đó là quả báo hiện đời, là quả báo hiển hiện ngay trước mắt. Thứ hai là sinh báo, nghĩa là những việc chúng ta làm trong đời này nhưng đến đời sau mới phải chịu quả báo. Ví dụ như trong câu chuyện của vị Tỳ-kheo Tissa, do quá khứ đã giết chim, bẻ cánh và chân chim, nên ngay đời kế tiếp ông bị quả báo ung nhọt đầy mình, lở loét tới tận xương tủy và phải chịu bao đau đớn. Thứ ba là hậu báo, nghĩa là quả báo sẽ trổ ở các đời sau. Như trong “Câu chuyện về con dê”, ông Bà-la-môn giết dê để cúng tế, rồi bị đọa làm thân dê nhiều đời về sau.
Nhân nào quả nấy. Chúng ta trồng dưa sẽ ra dưa, chứ không thể trồng dưa mà ra cà. Chúng ta thấy có nhiều trường hợp quả trổ ra giống hệt với cái nhân đã tạo. Như “Câu chuyện về con dê” đã kể, đời quá khứ, người Bà-la-môn chặt đầu dê, năm trăm đời sau ông phải làm dê và đời nào cũng chết vì bị chặt đầu. Nhưng cũng có khi quả báo không hoàn toàn giống với nghiệp nhân đã gây ra. Giả sử một người gieo nhân là đánh vào đầu con bò, làm cho nó đau đớn; đời sau người đó không phải chịu quả báo làm bò mà vẫn được làm người, nhưng lại bị bệnh đau đầu hoặc ung thư não, luôn phải sống trong nỗi đau giống như khi con bò bị đánh vào đầu phải chịu. Hay như câu chuyện về vị thầy Tỳ-kheo giết chim cũng vậy. Mặc dù ông không phải làm chim mà được sinh lại làm người, nhưng ông ta phải chịu quả báo ung nhọt khắp thân, lở loét hôi thối vô cùng đau đớn. Nhân quả công bằng, đã có vay thì phải có trả. Cũng giống như khi mình mượn người ta chiếc xe máy rồi chẳng may làm mất, không trả lại xe được thì mình phải đền bằng số tiền có cùng giá trị. Như vậy, nhân và quả không nhất thiết phải giống nhau, song giá trị vay trả chắc chắn sẽ phải tương đương. Chú thích: [6] Viên Chiếu (2012), “Vì bạo ác nổi mụn nhọt”, Phẩm Tâm, Tích truyện Pháp Cú tập I, NXB Tôn Giáo.
NGUYÊN NHÂN SÁT SINH
Vì sao người ta lại giết hại động vật? Có rất nhiều lý do như: để cúng cho người chết, để bán, để ăn, hay thậm chí chỉ để mua vui,… Bây giờ chúng ta hãy cùng xem xét các lý do này.
Lý do thứ nhất là giết các con vật để cúng cho người chết: Xin hỏi quý vị, người đã chết rồi, chúng ta cúng họ có ăn được không? Chắc chắn là không. Mâm cơm cúng người chết xong, còn hay hết chúng ta đều rõ cả. Mang tiếng cúng cho người chết mà sau đó toàn người sống ăn chứ người chết có ăn đâu. Có câu chuyện tên là “Chuyện chàng Sujata”[7] nằm trong kinh Tiểu Bộ như sau: Có chàng trai tên Sujata rất thông tuệ. Khi ông nội của chàng mất, cha chàng rất đau lòng, ngày nào cũng khóc thương và nấu thức ăn dâng cúng. Thấy vậy chàng trai rất muốn khuyên ngăn cha, nhưng nói thế nào cũng không được. Chàng tìm mọi cách giúp cha chuyển hóa để ông bớt đau khổ và không còn cúng bái như thế nữa.
Một hôm, khi đang đi ngoài đường, bỗng chàng nhìn thấy một con bò nằm chết; nhận thấy rằng đây là cơ hội để thức tỉnh cha mình, chàng trai bèn mang một nắm cỏ đến chỗ con bò đang nằm và gọi liên hồi:
  • Bò ơi! Dậy ăn cỏ đi. Bò ơi! Dậy ăn cỏ đi.
Những người hàng xóm thấy vậy liền chạy về báo ngay cho người cha biết. Họ nói rằng:
  • Ông ơi! Con của ông bị thần kinh rồi kìa.
Người cha nói:
  • Con tôi khỏe mạnh lắm mà! Có bị thần kinh gì đâu!
  • Nó bị thần kinh rồi! Thấy nó cứ cầm cỏ gọi một con bò dậy ăn, trong khi con bò đó đã chết!
Nghe vậy, người cha chạy ra chỗ đứa con và nói:
  • Này Sujata, con không được bình thường đấy ư? Con bò này chết rồi thì làm sao nó ăn được nữa?
Chàng trai nói:
  • Thưa cha, con bò chết, xác nó còn đây mà con cho cỏ nó còn không ăn được. Vậy người chết đã đem chôn rồi mà còn khóc, còn cúng cơm thì làm sao họ ăn được?
Người cha tỉnh ngộ, kể từ đó, ông không còn khóc và cúng cơm cho người đã chết nữa. Cổ nhân có câu nói rất đáng suy ngẫm: “Sống không cho ăn, chết làm văn cúng ruồi”. Có lẽ chúng ta cúng vì lòng thương, lòng tưởng nhớ đến người đã mất. Nhưng đã là người học Phật thì chúng ta cần phải hiểu rằng, sau khi chết chúng sinh sẽ luân hồi trong sáu cảnh giới: địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, a-tu-la, người và trời. Nếu người chết đã tái sinh làm người, làm thú, đọa địa ngục hay lên cõi trời,... thì dù thân nhân có cúng, họ cũng đâu ăn được. Như vậy, chúng ta phải hiểu cho đúng, cúng để tưởng nhớ người chết chứ không phải để người chết ăn. Khi cúng tổ tiên thì chỉ cần làm mâm cơm chay là được rồi, không nhất thiết phải sát sinh, hại vật. Nếu cúng mặn thì không những ông bà, cha mẹ quá vãng không ăn, không hưởng được, mà bản thân chúng ta lại phải mang tội sát sinh.
Lý do thứ hai là giết để bán: Có những người mưu sinh bằng cách giết heo, bò, gà, vịt,... để đem bán lấy tiền. Đây được gọi là nghề sát sinh hay nghề đồ tể. Muôn loài đều bình đẳng, đều có được quyền sống, chính vì vậy nếu cắt đứt mạng sống của chúng sinh là tội ác. Ai sát sinh sẽ phải chịu quả báo rất nặng và những người làm nghề đồ tể sớm muộn gì cũng phải gánh chịu khổ đau cùng cực.
Đức Phật dạy rằng, đối với tội sát sinh thì quả báo đầu tiên là bị đọa vào cảnh giới địa ngục, sau đó là ngạ quỷ, tiếp đến là súc sinh. Quý vị thử nghĩ xem, nếu có người cả một đời làm nghề sát sinh thì phải trôi lăn trong ba đường ác không biết đến ngày nào mới được ra? Kiếm tiền bằng nghề sát sinh có thể giàu lắm, lợi lắm, được no bụng đấy, được sung sướng đấy; nhưng sau khi từ giã cõi đời chắc chắn sẽ phải chịu đau khổ. Vậy người có trí cần biết cân nhắc, lựa chọn nghề nghiệp chân chính để nuôi thân, không nên vì lợi ích nhỏ bé trước mắt mà phải chịu tổn hại lớn về sau. Người Phật tử nên chọn nghề nghiệp không gây hại cho mình, cho người và tránh xa những nghề sát sinh, hại vật. Đó chính là thực hành chính mạng, hay nói cách khác là chúng ta đang nuôi mạng một cách chân chính. Người đời không biết, không hiểu nhân quả nên người ta mới làm nghề sát sinh. Còn chúng ta đã biết đến Phật pháp rồi thì cần phải tìm những nghề lương thiện, tốt đẹp, không hại mình, hại người mà làm. Người có trí tuệ và lòng từ bi thì không bao giờ làm nghề sát sinh. Hơn thế nữa, nếu không giết hại mà còn biết phóng sinh thì sẽ có được công đức rất lớn.
Trên thực tế chúng ta thấy, những người làm nghề sát sinh thường chỉ được đời cha giàu có, còn đến đời con, đời cháu thường phải chịu nhiều bệnh tật, đau khổ, không làm ăn nổi. Có câu nói: “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”. Điều này có phù hợp với nhân quả không? Giáo lý nhân quả giúp ta hiểu rằng, ai ăn nấy no, ai làm nấy chịu, sao ở đây cha mẹ làm ác mà con cái phải gánh lấy quả báo? Thật ra, điều này vẫn đúng theo nhân quả. Nếu người cha làm nhiều điều bất thiện thì sẽ chiêu cảm người con có cùng nghiệp xấu; hay nói cách khác, do đời trước người con làm ác nên đời này phải sinh vào nhà người cha làm ác để chịu chung quả báo với nhau. Đó gọi là cộng nghiệp. Có thể hiểu theo một cách khác: Tùy theo nghiệp ác nặng hay nhẹ mà người con sẽ phải chịu ảnh hưởng từ người cha nhiều hay ít. Ví dụ, nghiệp xấu của người con nặng thì phải sinh vào gia đình cha mẹ mê cờ bạc, cá độ, tiêu tán hết tiền bạc, gia sản, phải sống trong nghèo khổ, thiếu thốn. Nghiệp xấu người con nhẹ hơn thì sinh vào nhà cha mẹ làm điều không tốt (như trộm cắp, tà dâm, lừa đảo,...) bị người đời khinh chê, chỉ trích, con cái cũng phải chịu nỗi xấu hổ, buồn phiền.
Ngoài ra, việc thực hiện những hành động sát sinh lặp đi lặp lại hằng ngày có thể huân tập và trở thành những hạt giống xấu ác, hung dữ, dã man ở trong tàng thức. Những hạt giống này sẽ phát triển không chỉ trong đời này mà còn cả nhiều đời về sau. Tục ngữ có câu: “Ăn cắp quen tay, ngủ ngày quen mắt”, chúng ta làm gì lâu ngày cũng sẽ thành quen, và khi đã thành thói quen rồi thì rất khó sửa đổi. Cũng chính những thói quen này là nguyên nhân khiến người ta trở nên hung ác, bạo lực rồi giết người không ghê tay. Do vậy, khi chọn nghề để sinh sống, chúng ta hãy suy nghĩ cho thật kỹ. Đừng vì cái lợi trước mắt mà làm những nghề xấu ác, huân tập cho mình hành động sát sinh. Cho dù làm nghề này có lời một ngày 5 triệu, 10 triệu hay 20 triệu, thì chúng ta cũng không nên tham lam, vì làm như thế không những hiện đời khó có được an vui, mà kết thúc đời này chúng ta cũng dễ bị đọa vào những cảnh giới đau khổ gấp trăm, gấp ngàn lần.
Thứ ba là giết để ăn: Con người chúng ta ăn để sống, chứ không phải sống để ăn. Khoa học đã chứng minh cấu tạo hệ tiêu hóa con người từ hàm răng cho tới đường ruột tương tự các loài động vật ăn cỏ như khỉ, bò, trâu, dê, cừu,... Cho nên, thức ăn phù hợp với con người không phải là thịt động vật, mà là rau củ quả. Do từ bé đến lớn chúng ta đã ăn thịt động vật nên mới cho rằng cơ thể ta không thể thiếu thịt cá. Còn với những người ăn chay từ nhỏ thì họ vẫn ăn chay bình thường, đâu có gì trở ngại. Thật ra tất cả chỉ là thói quen.
Các loài động vật chỉ ăn thực vật như trâu, bò, ngựa, voi,... đều rất khỏe mạnh. Còn con người chúng ta ăn đủ thứ mà hết bệnh này đến bệnh kia. Nhiều người cho rằng ăn chay bị thiếu máu, xanh xao, dễ đau ốm,... Vậy quý vị thử nghĩ xem, ăn mặn có bị bệnh không? Cũng đủ thứ bệnh. Phần lớn bệnh nhân trong bệnh viện đều là người ăn mặn. Thật ra, trong thịt động vật chứa rất nhiều chất là nguyên nhân có thể gây ra bệnh. Do vậy, không nên quy kết rằng ăn chay dễ bị bệnh còn ăn mặn thì không. Những người xuất gia như chúng tôi là những người ăn chay trường mà phần nhiều đều rất khỏe mạnh. Như vậy, trong rau củ quả vốn đã có đầy đủ các chất bổ dưỡng cần thiết cho cơ thể con người.
Chỉ vì để con người ăn ngon miệng hơn mà biết bao chúng sinh phải chết một cách đau đớn, dã man. Chúng ta không thể nào hiểu thấu được sự đau đớn của chúng khi bị giết, bị thọc huyết, bị mổ bụng, moi ruột, moi gan,... Nỡ lòng nào chúng ta ăn nuốt những miếng thịt như vậy? Ta muốn sống mà lại lấy mạng sống của chúng sinh khác nuôi mạng sống của ta, như vậy có từ bi, công bằng và hợp lý không? Người có lòng từ và nhất là có hiểu biết về nhân quả, sẽ không bao giờ lấy thịt chúng sinh để nuôi mạng mình. Lý do thứ tư là giết để mua vui: Năm câu chuyện về quả báo sát sinh kể trên tuy không nhắc đến lý do này, nhưng sự thật là trong cuộc sống chúng ta đã chứng kiến rất nhiều trường hợp như thế. Vừa rồi, có một lễ hội mới được phục dựng tại Phú Thọ. Đó là lễ hội cầu trâu. Họ chọn một con trâu khỏe mạnh, đưa đi tắm ở sông Hồng, rồi dắt về đình làng chờ làm lễ. Con trâu được cột vào một cây cọc chôn sẵn ở giữa sân đình. Khi lễ hội bắt đầu, mười hai thanh niên thay phiên nhau cầm cái vồ đập lên đầu con trâu cho đến khi nó chết thì thôi. Trong các lò mổ, con trâu bị giết rất nhanh, không nhiều người nhìn thấy. Còn ở đây, con trâu bị người ta lấy vồ đập vào đầu cho chết từ từ, lại còn tổ chức thành một lễ hội ngay giữa đình làng cho biết bao nhiêu người đến xem. Thời xưa dân trí còn thấp kém, lạc hậu nên người ta mới tổ chức những lễ hội này. Bây giờ, chúng ta là người văn minh, có hiểu biết, cớ sao lại còn hành động man rợ giống như thời kỳ cách đây cả ngàn năm như vậy? Chúng ta thử đặt mình vào vị trí con trâu xem thế nào? Bị người ta cột vào cọc, rồi lấy vồ đập vào đầu liên tục thì có chịu nổi không? Có đau không? Có sợ không? Con trâu có làm hại tới con người hay sao? Vốn là con vật rất hiền lành, con trâu giúp người nông dân kéo cày, kéo xe, nó là một trong những người bạn thân thiết nhất của con người. Vậy mà, chúng ta lại đối xử với nó một cách dã man như thế! Chúng ta còn nói lễ hội cầu trâu là một lễ hội văn hóa, không biết văn hóa chỗ nào? Lễ hội dã man thì đúng hơn! Điều đáng buồn là ở Việt Nam, nơi này nơi kia vẫn đang tổ chức những lễ hội như vậy.
  • Tây Nguyên thì có lễ hội đâm trâu. Người ta cột trâu lại rồi cúng tế, nhảy múa xung quanh, sau đó lấy hàng chục cây lao phóng vào mình trâu. Có nơi còn dã man hơn nữa: Con trâu đang đứng, người ta lùa chạy, rồi lấy dao chặt chân cho khuỵu xuống, sau đó dùng giáo đâm cho đến chết. Tại Nepal vừa rồi cũng có lễ hội chặt đầu trâu. Họ gom lại một lúc hơn 6000 con trâu và lấy đao chặt đầu của chúng. Mấy ngàn con trâu bị đứt đầu, nằm đầy một bãi đất còn rộng hơn cả chùa Hưng Pháp, thật là một lễ hội hết sức dã man! Nhưng khi suy nghĩ lại, về mức độ thì lễ hội cầu trâu hay đâm trâu ở Việt Nam còn dã man hơn. Chặt đầu thì con trâu chết ngay lập tức, còn đập lên đầu trâu bằng vồ hay đâm vào mình trâu bằng giáo thì nó phải chết từ từ trong đau đớn và oán hận. Thật quá tội nghiệp!
Ngoài ra, ở Bắc Ninh hiện nay, còn có lễ hội chém lợn. Vào ngày tổ chức lễ hội, người ta rước con lợn đi vòng quanh thôn, sau đó đưa về sân đình, đặt nằm ngửa, kéo căng bốn chân về bốn hướng, rồi một thanh niên cầm đao chặt đứt con vật làm đôi, khiến máu phun ra lênh láng. Người dự lễ lấy máu bôi lên tiền, rồi đem đồng tiền đó về để được may mắn.
Rõ ràng những lễ hội kể trên thật quá dã man, tàn nhẫn và phi nhân tính. Chỉ những người không có lương tri mới thích tham dự những lễ hội như vậy. Lễ hội cầu trâu, đâm trâu hay chém lợn thì giáo dục con người ta điều gì? Giáo dục con người hành hạ và giết hại chúng sinh chăng? Bản thân người có trí sẽ không tham gia và cũng không để người thân của mình tham gia những lễ hội như vậy. Bởi vì những cảnh giết hại như thế rất nguy hiểm, khi xem sẽ chỉ kích thích nhiều điều ác trong con người phát triển, chứ không mang lại điều gì tốt đẹp cả. Chúng ta cần phải lên án những lễ hội như thế này, vì chúng không mang tính giáo dục, không hướng thiện và hướng thượng.
Đã là người học Phật, trước khi làm một việc gì đều cần phải suy nghĩ về hậu quả. Chư Tổ thường nói: “Bồ-tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả”. “Bồ-tát sợ nhân” nghĩa là Bồ-tát trước khi làm bất cứ việc gì đều sẽ cân nhắc kỹ lưỡng, vì các Ngài biết nếu đã gieo nhân thì ắt phải gặt quả. “Chúng sinh sợ quả” nghĩa là chúng sinh không màng nhân quả, cứ cắm đầu làm, tới chừng bị tù, bị tử hình, bị đọa địa ngục mới than trời trách đất. Chúng ta không nên làm những chúng sinh như vậy, mà phải làm Bồ-tát, phải biết sợ những hành động gieo nhân xấu. Khi nói hay làm điều gì, chúng ta phải biết cân nhắc tới hậu quả, để tránh rơi vào tội lỗi, sa đọa và khổ đau. Nhất là phải tránh xa việc sát sinh, cho dù vì bất cứ lý do nào. Giữ gìn giới không sát sinh thì cả hiện đời và đời sau chúng ta sẽ có được an lạc, hạnh phúc. Nếu biết sống đúng với chính mạng, không làm những việc sát sinh, hại vật thì chắc chắn sẽ không bị quả báo đau khổ trong tương lai.
Tóm lại, hôm nay chúng ta đã cùng tìm hiểu một vài câu chuyện về quả báo sát sinh trong kinh Tiểu Bộ và Tích truyện Pháp Cú. Hãy ghi nhớ những câu chuyện đó, nhớ rằng quả báo sát sinh không những gây ảnh hưởng xấu trong đời này mà còn nhiều đời về sau. Do vậy, người Phật tử cần phải tôn trọng tính linh của mọi loài, phải thấy được rằng tất cả chúng sinh đều tham sống sợ chết và đều có Phật tính giống ta.
Như vậy, con người và con vật bình đẳng với nhau về nhân quả. Rất mong quý Phật tử thấu hiểu điều này, phát khởi lòng từ và sẽ không bao giờ sát sinh, hại vật nữa. Cuối cùng, tôi xin tặng quý vị bài thơ “Xin đừng sát sinh”: Đau lắm người ơi, Xin đừng giết tôi!
Đau lắm người ơi, Xin tha mạng tôi! Ôi! Tiếng kêu cứu Muôn loài thú vật Vang mãi đâu đó Mặt đất dưới sông. Con bị cắt cổ, Con thì nhổ lông, Máu hồng lai láng, Tiếng oán ngất trời, Nỗi khổ đớn đau, Hận sầu như núi. Mỗi ngày qua đi, Hàng tỷ sinh mạng Bị giết dã man, Thịt nát xương tan.
Từ con vật nhỏ, Đến loài thú to. Vì ngon miệng mình, Cướp mạng chúng sinh. Hỡi nhân loại ơi! Con người con vật Cùng một tính linh, Cùng tham muốn sống, Cùng có cảm tình. Nỡ nào ra tay Đập đầu mổ bụng, Giết mạng chúng sinh Để nuôi mạng mình. Hãy dừng sát sinh, Tôn trọng sự sống, Để mọi sinh linh Sống trong hòa bình. 
(Quyển sách này được biên tập từ pháp thoại “Quả báo sát sinh” giảng vào ngày 08 tháng 03 năm 2015, tại chùa Hưng Pháp, xã Xuân Hưng, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai).
MẤY LỜI TÂM HUYẾT
Thuyết pháp, giảng kinh, viết sách, ấn tống kinh điển, nhằm mang giáo lý nhà Phật đến với mọi người, giúp người tu tập hướng đến hạnh phúc chân thật của sự giác ngộ và giải thoát, đó gọi là pháp thí. Nếu không đủ điều kiện làm những việc ấy, chúng ta đem kinh sách hoặc băng đĩa Phật pháp chia sẻ cho nhiều người cùng nghe, cùng đọc, để cùng được hưởng lợi lạc từ giáo pháp Như Lai, đây cũng là pháp thí. Đức Phật đã dạy: “Trong các sự bố thí, pháp thí có công đức lớn nhất, không công đức nào có thể sánh bằng”.
Đạo pháp muốn phát triển thì nền móng phải được xây đắp vững vàng. Chính vì vậy mỗi người chúng ta nên tùy sức mà đóng góp vào một ít vôi, một ít nước, một tảng đá hay một chút công,... Ai có tài thì góp tài, ai có sức thì góp sức, được vậy thì ánh sáng đạo pháp mới có thể tỏa rạng và kiên cố đời đời. Làm rạng rỡ chính đạo, góp phần mang ánh sáng từ bi của Phật pháp soi chiếu đến mọi chúng sinh, giúp người vượt qua bể khổ bờ mê chính là mục đích tối thượng.
Hãy nên nghĩ nhớ đến những người đang đau khổ, hoặc đang lạc lối, bế tắc trong cuộc sống – những người thật sự rất cần sự cảm thông, giúp đỡ từ mỗi chúng ta để có thể quay về với chân lý, với niềm vui và lối sống hướng thiện. Làm được như thế chính là mang lại lợi ích cho cả ta và người vậy.
Tặng cho thân nhân một số tiền nhỏ, lòng mình chưa thật vui, nhưng mình không đủ sức tặng nhiều hơn nữa. Nhưng nếu đem tặng các loại sách khuyến tu, hướng dẫn người tu tập thì dù chỉ có một quyển sách đáng giá vài ngàn cũng vẫn quý hơn tiền trăm bạc triệu, vì cuốn sách đó sẽ giúp người có được một đời sống an vui, hạnh phúc hơn. Khi đó niềm phúc lạc vô bờ chắc chắn sẽ đến với tất cả mọi người.
Hy vọng mấy lời tâm huyết này sẽ đến được với nhiều vị Cấp Cô Độc, để ngày càng có nhiều tấm lòng phát tâm chia sẻ và ấn tống kinh sách cho mọi người xem. Tha thiết mong mỏi như thế! Quý vị nào muốn phát tâm ấn tống kinh sách, xin liên hệ:
Chùa Hoằng Pháp Địa chỉ: xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh. Điện thoại: (028) 37130002 (028) 37134307 Email: hopthu@chuahoangphap.com.vn